Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp thiếu container rỗng, vận chuyển hàng hóa gặp khó

04:02, 03/02/2021

Thực trạng thiếu container rỗng phục vụ việc vận chuyển hàng hóa khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Chi phí vận chuyển tăng cao, thời gian và hợp đồng giao hàng với đối tác cũng bị ảnh hưởng, cản trở việc phục hồi sản xuất của DN.

Thực trạng thiếu container rỗng phục vụ việc vận chuyển hàng hóa khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Chi phí vận chuyển tăng cao, thời gian và hợp đồng giao hàng với đối tác cũng bị ảnh hưởng, cản trở việc phục hồi sản xuất của DN.

Bốc dỡ container hàng xuất khẩu tại cảng Đồng Nai (ảnh minh hoạ). Ảnh: Văn Gia
Bốc dỡ container hàng xuất khẩu tại cảng Đồng Nai (ảnh minh hoạ). Ảnh: Văn Gia

DN xuất, nhập khẩu (XNK) hiện đang mong muốn các bên liên quan có sự hợp tác chặt chẽ để giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời có những giải pháp lâu dài đối với nguồn cung ứng container rỗng.

* Hàng bị ách tắc vì không có container để vận chuyển

Việc thiếu container rỗng để đóng hàng khiến cho hoạt động XNK bị đình trệ, hàng ngàn DN đứng ngồi không yên vì hàng hóa không chỉ chậm lưu thông mà còn chịu cước vận chuyển tăng lên nhiều lần.

Tại cảng Đồng Nai, một trong những đầu mối vận chuyển hàng XNK của các DN trên địa bàn tỉnh, năm 2020, hơn 10 triệu tấn hàng hóa quy đổi luân chuyển qua đây, trong đó có gần 800 ngàn Teus hàng container XNK. Thông thường, tỷ lệ container rỗng chiếm khoảng 60-80%. Riêng từ quý IV-2020, tỷ lệ này tại cảng giảm chỉ còn 45%. Container loại 40 feet giảm chỉ còn 41%.

Theo ông Chánh Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), thực trạng thiếu container rỗng đặt ra rào cản trong phục hồi sản xuất của DN. Dưới tác động của dịch Covid-19, dù khó khăn, các DN thành viên trong Hiệp hội Gỗ vẫn phục hồi tốt nhờ thị trường xuất khẩu song lại vướng ở khâu vận chuyển hàng hóa. Một số tuyến hàng đi châu Âu, Mỹ, cước vận chuyển trọn gói đã tăng vọt.

Không chỉ các DN XNK mà các tuyến giao thông, luân chuyển hàng hóa trong nước cũng khan hiếm container đóng hàng. Ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát, (Khu công nghiệp Amata) cho hay, DN của ông là đơn vị phân phối cho Công ty Giấy An Hòa. Thời điểm hiện tại, DN vẫn đang phải tồn kho hàng ngàn tấn nguyên liệu ở phía Bắc vì chưa vận chuyển được.

“Giá cao nhưng các DN vận tải rất ít container để sẵn sàng vận chuyển hàng. Do vậy, khách hàng như chúng tôi phải đăng ký trước, giá vận chuyển cũng tăng gấp 3 lần, hàng vẫn còn tồn nhiều tại kho” - ông Nguyễn Trí Minh chia sẻ.

Theo các chủ DN, việc thiếu container rỗng để chuyển hàng khiến cho các hợp đồng với đối tác cũng bị ảnh hưởng về thời gian giao nhận hàng hóa. Một số DN phải gia hạn thời gian giao hàng, thậm chí từ chối do không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển.

Về phía DN vận tải nội địa, nhiều tài xế phải chờ rất lâu, thậm chí phải đi nhiều depot (cảng cạn) mới nhận được container rỗng từ các hãng tàu, khiến cho chi phí và doanh thu của DN vận tải bị ảnh hưởng.

* Cần tính toán lâu dài cho nguồn cung ứng container

Thực trạng thiếu container rỗng được cho là do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng logistics toàn cầu trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh do phục hồi sản xuất, kiểm soát được dịch bệnh. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực thi hành cũng giúp cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng lên, từ đó tăng nhu cầu sử dụng container.

Hàng xuất đi cần nhiều container hơn hàng nhập về nên việc thiếu container mang tính mùa vụ năm nay lại càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện quá phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài nên chưa chủ động được nguồn container. Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, đội tàu biển của nước ta mới đảm nhiệm được 10% thị phần vận tải hàng từ Việt Nam ra thế giới. Đội tàu container cũng hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn như Đông Nam Á và Đông Bắc Á…

Theo các nhà cung ứng dịch vụ logistics, để giải quyết khó khăn cần sự phối hợp từ nhiều phía, nhất là giữa các DN trong lĩnh vực XNK. Khi các nhà XNK kết hợp được với nhau sẽ tái sử dụng được nguồn container rỗng và xoay vòng, tạo nguồn container. Bên cạnh đó, các hãng tàu và nhà vận tải nội địa, các cảng cạn (ICD) cũng cần phối hợp với nhau trong việc phân nguồn container rỗng một cách hợp lý, tránh tốn thời gian, chi phí vận tải của DN.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội XNK Đồng Nai cho rằng, cần có thêm áp lực với các hãng tàu để luân chuyển container nhanh hơn và chấp nhận hy sinh một phần chi phí vận chuyển container rỗng cho hàng xuất khẩu. Các thủ tục thông quan hàng cần nhanh chóng hơn, đồng thời giảm thời gian lưu kho, lưu bãi đối với các container nhập khẩu. Khi DN lấy hàng ra nhanh thì cũng góp phần tạo nguồn container rỗng.

Một vấn đề nữa là thiếu hụt container sẽ chưa thể sớm được giải quyết trong ngắn hạn. Những thị trường XNK tương đối nhỏ như Việt Nam sẽ không được các hãng tàu lớn ưu tiên như đối với thị trường lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đặc biệt, Trung Quốc sẵn sàng trả giá thuê container rỗng cao hơn càng làm tình trạng này thêm phức tạp. Nhà máy sản xuất container Việt Nam rất ít. Trong những năm tới, hàng hóa XNK của Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ. Đã đến lúc Chính phủ cần tính toán đến việc phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất container rỗng, tránh bị động khi xảy ra sự cố như hiện nay.  

            Văn Gia

Tin xem nhiều