Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Gỗ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại

04:09, 09/09/2020

Doanh nghiệp (DN) Việt khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước sở tại. Trong đó, gần đây, ngành Gỗ Việt Nam đang vướng phải nhiều vụ kiện chống bán phá giá, truy xuất vi phạm nguồn gỗ xuất xứ, đòi hỏi DN khi sản xuất hàng xuất khẩu phải làm đúng, đáp ứng các tiêu chuẩn ngay từ đầu.

Doanh nghiệp (DN) Việt khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước sở tại. Trong đó, gần đây, ngành Gỗ Việt Nam đang vướng phải nhiều vụ kiện chống bán phá giá, truy xuất vi phạm nguồn gỗ xuất xứ, đòi hỏi DN khi sản xuất hàng xuất khẩu phải làm đúng, đáp ứng các tiêu chuẩn ngay từ đầu.

Muốn bền vững, ngành Gỗ phải làm đúng, đáp ứng các tiêu chuẩn ngay từ đầu. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại một doanh nghiệp ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh:V. Gia
Muốn bền vững, ngành Gỗ phải làm đúng, đáp ứng các tiêu chuẩn ngay từ đầu. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại một doanh nghiệp ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh:V. Gia

Chuẩn bị cho chiến lược dài hơi, Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định quy định hệ thống đảm bảo tính pháp lý cho ngành Gỗ Việt Nam trong xuất nhập khẩu.

* Đối mặt với nhiều vụ kiện thương mại

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, ngành Gỗ trở thành “tâm điểm” của các vụ kiện phòng vệ thương mại với 4 vụ kiện, trong khi giai đoạn 10 năm trước đó, ngành này chỉ bị điều tra trong 3 vụ việc.

Đặc biệt, trong năm 2020, Hàn Quốc chính thức áp thuế bán phá giá đối với gỗ ép từ Việt Nam trong thời gian từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9. Tiếp theo Hàn Quốc, Mỹ cũng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp áp dụng với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu bị kết luận bán phá giá, Mỹ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra với mức thuế cao nhất, như đang áp với Trung Quốc (thuế phá giá: 183,36%; thuế chống trợ cấp: 22,98-194,9%).

Đối mặt với các vụ kiện, bức tường thương mại đặt ra một vấn đề cho các ngành sản xuất trong nước, không chỉ riêng đối với ngành Gỗ. Là đơn vị có tới 40% số lượng sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, mặc dù không phải là DN xuất khẩu gỗ dán, mặt hàng đang bị áp thuế chống bán phá giá song ông Tạ Ngọc Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Hoài Phú Long (H.Vĩnh Cửu) nhận định, làm ăn với các đối tác nước ngoài, nhất là những nước phát triển rất khó khăn. Mặt hàng sản xuất của các DN Việt khi xuất khẩu sang cũng gặp phải sự cạnh tranh của ngay DN nước sở tại.

“Ở mỗi thị trường đều có các hiệp hội sản xuất, kinh doanh gỗ nên nếu DN nào có đủ tiềm lực, uy tín để làm ăn thông qua những tổ chức này thì cơ hội sẽ nhiều hơn. Muốn đạt được điều đó, trước hết DN phải có cách vượt qua được rủi ro không đáng có, trong đó nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rất quan trọng” - ông Tạ Ngọc Hoài chia sẻ.

* Xây dựng hành lang pháp lý để sản xuất bền vững

Hiện tỉ trọng sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam được duy trì ở mức trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm mặt hàng gỗ, được xuất khẩu trực tiếp sang 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành Gỗ Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, chiếm tỉ trọng 88,84% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước. Những vụ việc chống bán phá giá, lẩn tránh thuế mà gỗ dán đang bị áp dụng sẽ là câu chuyện cảnh báo với toàn ngành Gỗ nếu không có sự quan tâm, chuyên nghiệp từ đầu trong sản xuất, xuất khẩu.

Để tránh những vấn đề nói trên, các DN, hiệp hội sản xuất gỗ đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định, đặc biệt trong việc xây dựng chuỗi giá trị, hiện đại hóa hệ thống quản lý, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp. Đây là vấn đề mà hiện nay, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đặc biệt chú trọng.

Theo ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Dowa, hiệp hội đã đưa vào sử dụng khu phức hợp 40ha phân phối nguyên liệu gỗ hợp pháp. Tại đây tập trung những nhà cung cấp lớn về nguyên liệu gỗ hợp pháp từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau với cơ sở vật chất hiện đại và khép kín, có khả năng cung ứng 200 ngàn m3 gỗ tròn và 200 ngàn m3 gỗ xẻ/năm. Giải pháp nói trên cũng chính là cuộc chơi dài hơi mà ngành Gỗ Đồng Nai đang thực hiện để tiếp tục nâng giá trị sản xuất, xuất khẩu của mình trong giai đoạn tới.

Không chỉ nỗ lực từ DN mà UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã xây dựng đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường, đưa ngành sản xuất, chế biến lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

Để tạo hành lang pháp lý chuẩn mực cho ngành Gỗ trước áp lực cạnh tranh và các vụ kiện chống bán phá giá, mới đây nhất ngày 1-9, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1-9-2020 quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Theo đó, nghị định quy định rõ việc quản lý gỗ xuất, nhập khẩu. Gỗ xuất, nhập khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục xuất, nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan. Quản lý gỗ xuất, nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý rủi ro để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm gỗ nhập khẩu hợp pháp. Đối với gỗ xuất khẩu, được quản lý theo loại gỗ, thị trường xuất khẩu và trên cơ sở kết quả phân loại DN chế biến và xuất khẩu gỗ. Gỗ xuất khẩu phải có giấy phép CITES hoặc giấy phép FLEGT hoặc bảng kê gỗ theo quy định…

Những biện pháp nghiêm ngặt này được đánh giá là sẽ góp phần giúp cho các lực lượng chức năng “gác cửa” có thêm cơ sở pháp lý để đấu tranh chống gian lận. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi DN xuất khẩu gỗ phải làm đúng ngay từ đầu nếu không muốn phải đối mặt với hậu quả nặng từ các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra. 

Văn Gia

Tin xem nhiều