Hiện tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai là 82%. Diện tích còn lại để cho thuê phần lớn vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì thế, tỉnh đang gấp rút thành lập thêm 3 KCN trong quy hoạch để tiếp tục phát triển công nghiệp.
Hiện tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai là 82%. Diện tích còn lại để cho thuê phần lớn vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì thế, tỉnh đang gấp rút thành lập thêm 3 KCN trong quy hoạch để tiếp tục phát triển công nghiệp.
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) còn diện tích đất cho thuê nhưng chưa giải phóng được mặt bằng và làm hạ tầng. Ảnh: Uyên Nhi |
Theo quy hoạch KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai có 35 KCN. Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập được 32 khu, còn 3 KCN đang hoàn tất thủ tục để nhanh chóng thành lập và mời gọi nhà đầu tư.
* Sớm thành lập 3 KCN
Đồng Nai còn 3 KCN sắp tiến hành thành lập là: KCN Cẩm Mỹ có diện tích khoảng 300ha, nằm trên địa bàn xã Thừa Đức (H.Cẩm Mỹ), KCN Phước Bình có diện tích 190ha ở xã Phước Bình (H.Long Thành) và KCN Gia Kiệm có diện tích 330ha xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất).
Cả 3 KCN đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ để tiến hành thành lập và lựa chọn nhà đầu tư. Nếu các KCN trên sớm được xây dựng và đi vào hoạt động, dự kiến sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động những ngành nghề tỉnh đang cần.
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, tỉnh đang tiến hành hoàn thành một số thủ tục sẽ tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư có năng lực, vốn để thực hiện nhanh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong đầu tư hạ tầng các KCN mới hoặc mở rộng vẫn là bồi thường, giải phóng mặt bằng”.
Trên giấy tờ, hiện Đồng Nai còn khoảng 1,3 ngàn ha đất trong KCN thuộc các KCN: Sông Mây, Hố Nai, Amata, Định Quán, Long Khánh, Dầu Giây... chưa cho thuê. Thế nhưng thực tế diện tích đất trên đa số đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xong vì người dân chưa đồng thuận về giá đất, tranh chấp. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai bị chậm lại, nhưng tới đây khi dịch bệnh lắng xuống, giao thương giữa các nước khơi thông, các hãng hàng không khôi phục lại các chuyến bay quốc tế thì sẽ có đợt “tăng tốc” đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, Đồng Nai là một trong những điểm đến được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lựa chọn nhiều. Muốn nắm bắt được "cơ hội vàng" này thì tỉnh phải có chuẩn bị sẵn đất công nghiệp để thu hút đầu tư.
Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho hay: “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, có những tập đoàn cần diện tích lớn để đầu tư nhà xưởng sản xuất và kéo một số doanh nghiệp nhỏ vào sản xuất sản phẩm đầu vào cho mình. Đồng Nai sẽ là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn lựa”.
* Thu hút đầu tư có chọn lọc
Ngoài việc gấp rút thành lập 3 KCN đã được Chính phủ quy hoạch, Đồng Nai dự tính trong giai đoạn 2021-2030 sẽ đưa vào quy hoạch sử dụng đất làm mới và mở rộng thêm 8 KCN khác tại các huyện, TP.Long Khánh. Mục tiêu của tỉnh trong 5-10 năm tới vẫn là tập trung phát triển công nghiệp, song sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc để có những dự án mang lại hiệu quả cao, góp phần cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
KCN Biên Hòa 2 đã lấp đầy không còn diện tích cho thuê. Ảnh: Uyên Nhi |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong thu hút đầu tư giai đoạn tới, tỉnh sẽ ưu tiên mời gọi những dự án công nghệ cao đem lại giá trị gia tăng lớn và sử dụng ít lao động. Tuy nhiên, Đồng Nai cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư làm thủ tục hải quan tại tỉnh để tăng nguồn thu cho tỉnh. Nếu các doanh nghiệp đặt trụ sở tại tỉnh nhưng làm thủ tục hải quan, nộp thuế ở nơi khác thì Đồng Nai sẽ trở thành "công trường sản xuất".
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở, nhà máy sản xuất tại Đồng Nai và thuê với diện tích lớn, nhưng khi hàng hóa sản xuất ra xuất khẩu lại làm thủ tục hải quan tại TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành khác khiến tỉnh mất đi một nguồn thu ngân sách nhà nước lớn từ xuất, nhập khẩu. Tỉnh chú trọng dành đất, nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển các KCN là nhằm tăng giá trị cho đất đai, tăng thu ngân sách nhà nước, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ tránh việc để Đồng Nai trở thành "công trường sản xuất" cho các doanh nghiệp nước ngoài mà không đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian tới sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai có xuất nhập khẩu lớn nhưng lại làm thủ tục hải quan, đóng thuế ở nơi khác để mời gọi về tỉnh thực hiện các thủ tục và đóng thuế nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước. Vì theo Cục Hải quan Đồng Nai, công tác hải quan của tỉnh được Tổng cục Hải quan xếp thứ 3 trên cả nước về thực hiện các thủ tục nhanh gọn.
Uyển Nhi