Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam

04:08, 19/08/2020

Vừa qua, Sở Công thương Đồng Nai đã khai trương thêm 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại 4 huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Long Thành và Trảng Bom...

Vừa qua, Sở Công thương đã khai trương thêm 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại 4 huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom. Như vậy, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam.

Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: Hải Quân
Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: Hải Quân

* Mở rộng các kênh đưa hàng Việt về nông thôn

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), năm 2016, Bộ Công thương hỗ trợ Đồng Nai triển khai thí điểm 2 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Sau đó, từ năm 2018 đến nay, Sở Công thương tiếp tục triển khai thêm 21 điểm theo mô hình này từ nguồn kinh phí của tỉnh với tổng số tiền được hỗ trợ gần 1,8 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường thực hiện tuyên truyền, cập nhật hình ảnh sản phẩm hàng Việt, hàng hóa địa phương. Trong đó, sẽ xây dựng, nâng cấp các trung tâm, điểm bán hàng OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm); triển khai thêm các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa để kết nối hàng Việt với người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt nói chung và những sản phẩm thế mạnh của địa phương nói riêng…

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết, các cửa hàng khi được chọn làm điểm bán hàng Việt sẽ được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày, biển hiệu Tự hào hàng Việt Nam; chi phí cải tạo tu sửa điểm bán hàng... theo quy chuẩn của Bộ Công thương. Hàng hóa được hướng dẫn sắp xếp khoa học, ngăn nắp. Chủng loại hàng hóa bày bán tại cửa hàng chủ yếu là hàng Việt Nam với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Kinh phí hỗ trợ để triển khai các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam khoảng 85 triệu đồng/cửa hàng.

Các điểm bán hàng này thường được triển khai, hỗ trợ ở các xã chưa có chợ, chưa có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Ngoài ra, còn góp phần giúp địa phương đáp ứng tiêu chí số 7 về chợ trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Kim Hiền, chủ cửa hàng bách hóa Hạnh Kiều - một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) cho hay, cửa hàng trở thành điểm bán hàng Việt được khoảng 3 năm nay. Cửa hàng chủ yếu cung cấp những mặt hàng Việt thuộc các nhóm hàng như: tiêu dùng, thực phẩm… cho người dân, công nhân ở địa phương và một số khu vực lân cận. Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ hàng Việt tại của hàng tăng khá cao, tăng trưởng đều qua các năm.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân ấp 7, xã Bàu Cạn (H.Long Thành) chia sẻ: “Tôi cảm thấy an tâm, thuận tiện khi mua hàng tại điểm bán hàng Việt vừa được khai trương ở địa phương. Hàng được sắp xếp ngăn nắp, tiện lợi, chủng loại mặt hàng cũng đa dạng, có thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Tôi mong muốn có thêm nhiều điểm bán hàng Việt tương tự để người dân ở những vùng xa như tôi có điều kiện mua hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý”.

* Gắn với bình ổn giá

Theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam do Sở Công thương phối hợp với các địa phương triển khai gắn liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn, góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Hơn thế nữa, các cửa hàng này sẽ là những điểm triển khai các mặt hàng bình ổn giá của tỉnh trong các dịp cao điểm, Tết Nguyên đán…, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Thông qua báo cáo của các điểm bán hàng này, sau khi triển khai, doanh thu của mỗi cửa hàng tăng từ 20-30%.

Người dân chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Bàu Cạn (H.Long Thành)
Người dân chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Bàu Cạn (H.Long Thành). Ảnh: H. Quân

Bà Nguyễn Ngọc Hương, chủ một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho biết, sau khi được hỗ trợ, cửa hàng được sắp xếp tiện lợi, sáng sủa hơn, hàng hóa cũng đa dạng hơn trước đây. Đây là một kênh giúp cho người dân địa phương có cơ hội mua các loại hàng hóa chất lượng, giá cả phải chăng.

Để các điểm bán hàng này hoạt động đúng tiêu chuẩn, Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị kinh doanh, chủ cửa hàng thực hiện tốt khâu cung cấp hàng hóa, đảm bảo nhãn mác, xuất xứ rõ ràng; tránh để xảy ra trường hợp đưa hàng hóa kém chất lượng vào bán để trục lợi gây mất niềm tin của người dân. Đặc biệt, các địa phương sẽ đẩy mạnh việc rà soát, trực tiếp kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt thực hiện nghiêm các tiêu chí, quy chuẩn của chương trình.

Ông Trịnh Tiến Hưng, Phó trưởng phòng Kinh tế H.Long Thành cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 2 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Đây là một kênh phân phối góp phần phát triển chuỗi liên kết sản xuất, phân phối và tiêu dùng, đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân. Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế huyện sẽ cùng với chính quyền địa phương và Sở Công thương chủ động rà soát hoạt động của các điểm bán hàng này, thường xuyên kiểm tra hàng hóa đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm…

Hải Quân                                                                                                                                                                                       

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích