Làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, từ đó kéo theo nỗi lo hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) gia tăng.
Làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, từ đó kéo theo nỗi lo hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) gia tăng.
Sản xuất tại Cơ sở Mộc mỹ nghệ xuất khẩu Thành Nhân. Ảnh:V. Gia |
Ngoài việc phải tự nỗ lực để giải quyết khó khăn, DN đang mong chờ những tín hiệu tích cực hơn như vaccine được sản xuất, tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
* Hàng tồn kho gia tăng
Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền sản xuất công nghiệp Việt Nam, các thị trường tiêu thụ hàng hóa chính trở nên bấp bênh khiến cho nỗi lo về hàng tồn kho của DN gia tăng. Nửa đầu năm 2020, qua thống kê của Bộ Công thương thì chỉ số tồn kho của hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở mức khá cao.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về triển khai Hiệp định EVFTA ngày 6-8, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định hiệp định sẽ có triển vọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh việc thực thi các nội dung hiệp định, những tháng cuối năm, Bộ sẽ triển khai xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm. Bên cạnh đó, tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… Mục tiêu là hướng tới sản xuất bền vững hơn thông qua sự đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác, dễ gặp bất lợi khi thị trường biến động. |
Trong số này, 6 ngành có chỉ số tồn kho lớn nhất là dệt với 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%.
Tại Đồng Nai, tình hình cũng diễn ra tương tự. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nên tăng trưởng thấp, ở nhiều quốc gia dịch bệnh chưa được khống chế đã ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng hóa theo hợp đồng đã được ký kết.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, sản xuất công nghiệp của Đồng Nai có 9/27 ngành có mức tăng trưởng âm, kéo theo đó là chỉ số tiêu thụ hàng hóa giảm, lượng hàng tồn kho gia tăng. Những ngành hàng bị tác động mạnh như: điện tử; sản xuất giường, tủ, bàn ghế; dệt, may mặc…
Tương tự, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc tạm thời ngừng lại làm cho DN phát sinh chi phí lưu kho bãi, chi phí vận chuyển, đền bù khách hàng do hàng hóa giao nhận không đúng thời gian quy định.
Toàn tỉnh hiện có 20 kho ngoại quan, hầu hết các mặt hàng gửi tại các kho ngoại quan đều là thành phẩm sản xuất của các DN chờ xuất khẩu ra nước ngoài và hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư sản xuất. Nhiều DN thuê kho ngoại quan để chứa hàng đã phải gia hạn hợp đồng thuê kho nhằm kéo dài thời gian lưu trữ hàng hóa.
“Mặc dù các đối tác từ Âu, Mỹ của chúng tôi vẫn quan tâm và đặt vấn đề hợp tác sản xuất hàng hóa, tuy nhiên nỗi lo lớn là có đơn đặt hàng nhưng hàng lại không xuất được vì nhiều đối tác sợ ảnh hưởng từ dịch bệnh nên chưa nhận hàng. Hàng hóa sản xuất ra phải chờ xuất đi sẽ làm cho các chi phí liên quan gia tăng” - ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở Thành Nhân chuyên sản xuất mộc mỹ nghệ xuất khẩu tại H.Trảng Bom chia sẻ.
* Chờ tín hiệu tích cực hơn
Ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, tuy Chính phủ đã có sự hỗ trợ, điều hành tích cực nhằm tháo gỡ như giãn thuế, tiền thuê đất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của DN hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các thị trường xuất khẩu đang chờ đợi tín hiệu khả quan hơn và điều đó là có cơ sở.
Hiện nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp song nhiều tin vui là trên thế giới cũng như Việt Nam, các loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đang gấp rút được điều chế. Trong đó, một số nước đã có lịch trình đưa vaccine vào sử dụng. Điều này theo các DN là sẽ có tác động tích cực đến thị trường, tạo sự yên tâm cho đối tác nước ngoài, kích thích họ nhập hàng nhiều hơn để phục vụ nhu cầu người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Nhân, trong những tháng cuối năm khi niềm tin vào vaccine từ các nước Âu, Mỹ được nâng lên thì việc giải quyết nỗi lo hàng tồn kho sẽ phần nào vơi đi. Đây là những tháng quan trọng để DN sản xuất, chế tạo nỗ lực thực hiện kế hoạch chung cả năm và tìm kiếm đơn hàng cho năm tiếp theo, do vậy mọi diễn biến trên thị trường quốc tế rất được trông đợi.
Trong khi đó, đại diện một DN sản xuất hàng xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) lại kỳ vọng về tác động tích cực của EVFTA vừa có hiệu lực từ tháng 8-2020. Cùng với nỗ lực từ DN thì những giải pháp để thúc đẩy thực hiện hiệp định của Việt Nam sẽ góp phần giúp DN được hưởng lợi.
Văn Gia