Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt thì Chính phủ xác định tầm nhìn đến 2030, Việt Nam sẽ trở thành "quốc gia số", ổn định và thịnh vượng.
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt thì Chính phủ xác định tầm nhìn đến 2030, Việt Nam sẽ trở thành “quốc gia số”, ổn định và thịnh vượng.
Mục tiêu “kép” mà chương trình hướng tới là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực tiến ra thế giới, với một số chỉ số cơ bản cụ thể. Các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của chương trình là 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% số hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% số hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Thực tế hiện nay, toàn cầu đang dịch chuyển nền kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ. Nền tảng internet toàn cầu đã có hơn 4 tỷ người sử dụng. Các phát minh mới về công nghệ, nhất là điện thoại di động, đã làm thay đổi bộ mặt đời sống khi số lượng người sử dụng điện thoại di động đạt hơn 5 tỷ người. Đây là công cụ để quản lý con người, quản lý quốc gia một cách dễ dàng, chính xác hơn thông qua sự kết nối mạng và lưu trữ dữ liệu. Tốc độ số hóa và cách tân công nghệ mở ra triển vọng mới, mô hình kinh doanh mới, tạo giá trị mới.
Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam, một quốc gia đang hội nhập mạnh mẽ với quốc tế cũng nhận thức rõ ràng rằng chuyển đổi số là cách hữu hiệu, trực tiếp nhất để hiện đại hóa đất nước.
Nhưng công cuộc chuyển đổi số không phải đơn giản chỉ là về công nghệ mà còn là cả một sự đổi mới, chuyển đổi căn cơ từ thể chế và con người. Chuyển đổi ngay từ nhận thức, cách nhìn trong việc hoạch định chính sách phát triển, xây dựng chất lượng con người nhanh nhạy với sự phát triển, thay đổi của xã hội. Tất cả là phải làm sao cho nhu cầu của người dân, DN được đặt vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi số và nâng cao vai trò, tính hiệu quả, minh bạch trong quản lý, điều hành của Nhà nước.
Để làm được điều đó, Chính phủ và các cơ quan trực thuộc sẽ tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, từ đó phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Tại Đồng Nai, quá trình chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ theo nhiều cách khác nhau, từ việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, DN đến sắp xếp lại bộ máy, tổ chức nhà nước tinh gọn, xây dựng chính quyền điện tử nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đặc biệt, hiện nay, chương trình xây dựng đô thị thông minh của tỉnh đang được nhiều đối tác, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, hợp tác. Đó là những điều kiện cần thiết để Đồng Nai, hay rộng hơn là cả nước, tận dụng được cơ hội, xây dựng vị thế mới, nâng cao sức mạnh quốc gia khi bước vào “con tàu cao tốc” hội nhập.
Văn Gia