Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ vững sản xuất trong khó khăn

11:07, 27/07/2020

Năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi ngành chăn nuôi heo vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi. Đầu ra của các loại nông sản cũng gặp khó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi ngành chăn nuôi heo vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi. Đầu ra của các loại nông sản cũng gặp khó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nông dân xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) làm du lịch vườn để có thu nhập cao. Trong ảnh: Khách tham quan, vui chơi tại một nhà vườn ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Ảnh: B.Nguyên
Nông dân xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) làm du lịch vườn để có thu nhập cao. Trong ảnh: Khách tham quan, vui chơi tại một nhà vườn ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai luôn xác định phát triển sản xuất là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được tập trung thực hiện và coi đây là cái gốc để xây dựng hậu nông thôn mới (NTM). Theo đó, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai, tạo môi trường để nông dân tiếp tục thi đua sản xuất, làm giàu.

* Đối mặt nhiều thách thức

Ngay từ đầu năm 2020, ngành nông nghiệp liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngay từ đầu năm, tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến thất thường, nhất là xuất hiện tình trạng khô hạn kéo dài ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực trồng trọt, nhất là sản xuất cây hằng năm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Đây là lý do khiến người chăn nuôi vẫn e ngại trong việc tái đàn, tăng đàn. Ông Nguyễn Văn Chung, chủ hộ chăn nuôi heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) cho biết, tuy dịch tả heo châu Phi đã qua giai đoạn cao điểm nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mặn mà tái đàn vì rủi ro dịch bệnh còn rất lớn.

Chăn nuôi gia cầm thì đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận xét, từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Có giai đoạn giá gà công nghiệp tăng rất cao nhưng người chăn nuôi buồn nhiều hơn vui vì nhiều trại chăn nuôi hao hụt rất lớn do dịch bệnh khiến nguồn cung giảm mạnh.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm do xuất khẩu gặp khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu. Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là nông dân khi giá nông sản, nhất là các mặt hàng trái cây xuất khẩu tốt liên tục giảm giá, có mặt hàng giảm dưới giá thành sản xuất.

* Nông dân vẫn nỗ lực làm giàu

Trong xây dựng NTM, Đồng Nai luôn xác định phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập của người dân nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao rõ nét. Cụ thể năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 55,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn trung ương giảm mạnh từ 6,53% năm 2011, đến nay xuống chỉ còn 0,09%.

Có được kết quả trên là do Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển sản xuất như: hình thành các vùng cây chuyên canh lớn, sản xuất theo hình thức tập thể có quy mô, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết...

Vĩnh Cửu là huyện thuần nông với xuất phát điểm nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Nhưng hiện đây là địa phương có nhiều thành tích nổi bật trong phát triển sản xuất, nhất là không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu chia sẻ, ngoài đầu tư phát triển nông nghiệp, địa phương cũng rất quan tâm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nhiều hộ nông dân đều có thành viên làm việc ở các công ty ngay tại địa phương với thu nhập ổn định, tích lũy được vốn liếng để tái đầu tư phát triển nông nghiệp nên kinh tế các hộ gia đình không ngừng được nâng cao.

Nhiều nông dân cũng học làm dịch vụ để tăng thu nhập trên mảnh đất vốn có của gia đình. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lộc
(TP.Long Khánh) Đoàn Thạch Nam chia sẻ, trước đây, xã Bình Lộc chỉ có vài hộ làm du lịch vườn theo hướng tự phát. Nhưng hiện nay, cả xã cùng liên kết làm du lịch với hàng trăm hộ tham gia. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước. Nhưng hiệu quả lớn nhất của việc kết hợp mô hình dịch vụ du lịch với sản xuất nông nghiệp là giúp nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, tích cực chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, hữu cơ.

Theo ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh, xây dựng NTM nâng cao, các địa phương tiếp tục tập trung đầu tư cho các cơ sở hạ tầng quan trọng như: hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế… Hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Trong sản xuất, các địa phương chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch sinh thái.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều