Ngày 17-6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19-2020/ QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Đây là Quyết định thay thế cho Quyết định số 07-2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng (ETC).
Ngày 17-6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19-2020/ QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Đây là Quyết định thay thế cho Quyết định số 07-2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng (ETC).
Theo Quyết định số 19, Thủ tướng yêu cầu các trạm BOT đường bộ đã lắp đặt hệ thống ETC phải vận hành ngay. Các trạm đang hoạt động, chưa lắp đặt ETC thì chậm nhất đến ngày
31-12-2020 phải chuyển sang hình thức ETC theo quyết định này. Những trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện ETC theo quy định. Như vậy, Quyết định số 19 sẽ được áp dụng với cả những dự án BOT cũ cũng như các dự án mới có thu phí và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.
Cũng theo Quyết định số 19, căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định duy trì mỗi trạm có 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cơ quan có thẩm quyền được tạm dừng thu phí đối với các trạm chưa thực hiện việc hình thức ETC do lỗi của nhà đầu tư. Việc thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí ETC được thực hiện bởi nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Trường hợp nhà đầu tư tự thiết kế, đầu tư xây dựng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, với Quyết định số 19, Chính phủ lại một lần nữa thể hiện quyết tâm thúc đẩy dự án triển khai dịch vụ ETC, vốn đã bị trì hoãn kéo dài nhiều năm.
Trên thực tế, từ năm 2017, Bộ GT-VT đã thực hiện việc triển khai hình thức ETC trên tất cả các trạm BOT và sẽ hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, với hàng loạt lý do được các bên đưa ra, đến thời điểm này, số lượng các trạm BOT triển khai hình thức ETC vẫn rất ít ỏi. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là sự thiếu quyết liệt vào cuộc và có các hình thức răn đe, xử lý đối với doanh nghiệp chây ì thực hiện từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Do đó, với việc nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc phối hợp triển khai dự án, đặc biệt hơn là việc quy định thời hạn áp dụng cũng như chế tài xử phạt đối với các chủ đầu tư dự án, Quyết định số 19 được xem là quyết định “mạnh tay” và cần thiết để thực hiện dự án ETC tại các trạm BOT.
Nhiều năm qua, việc chậm triển khai thực hiện ETC đã khiến người dân mất đi niềm tin về một cơ chế công khai, minh bạch trong quản lý các dự án BOT giao thông. Đồng thời, sự chậm trễ này cũng gây ra nhiều thiệt hại về tài chính đối với cả người dân lẫn Nhà nước. Do đó, với Quyết định số 19, người dân kỳ vọng sẽ tạo ra được một cơ chế minh bạch, công khai hơn trong quản lý các dự án BOT giao thông. Qua đó, góp phần giảm thiểu những thiệt hại mà người dân cũng như Nhà nước đang phải gánh chịu hiện nay.
Lê Văn