Trước mối nguy hại đối với môi trường đến từ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học..., thời gian qua, các ngành chức năng và người sản xuất đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường.
Nhận thấy mối nguy hại đối với môi trường đến từ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân hóa học, thuốc kháng sinh, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh và bản thân người sản xuất đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.
Người dân xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Ban Mai |
Trong đó, có việc giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm sử dụng thuốc tăng trưởng, đồng thời dần chuyển đổi sang phương thức canh tác, chăn nuôi hữu cơ, sinh học. Mục đích là nhằm hướng đến môi trường xanh cho vùng sản xuất, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
* Thay đổi thói quen trong sản xuất
Tại H.Xuân Lộc, thời điểm trước khi xây dựng nông thôn mới, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp là vấn đề nổi cộm. Dọc các tuyến đường, nhiều bãi rác tự phát hình thành. Trên đồng ruộng, vỏ bao bì thuốc BVTV không được thu gom.
Để giải quyết tình trạng này, huyện đã triển khai hàng loạt các biện pháp như: đẩy mạnh thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; đầu tư các bể thu gom, thùng rác, xe đẩy và ký hợp đồng với đơn vị thu gom rác; quy hoạch lại vùng trồng trọt, chăn nuôi…
Cùng với đó là tổ chức hàng loạt các phong trào, chương trình như: trồng cây xanh, xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, thu đổi chất thải nguy hại… Đến nay, H.Xuân Lộc đã trở thành một trong những điển hình của tỉnh trong thực hiện các tiêu chí về môi trường.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) chia sẻ, thực hiện chủ trương của huyện, trên cánh đồng mẫu lớn lúa, bắp rộng 150ha, HTX đã vận động xã viên phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế cho phân bón hóa học, chuyển sang sử dụng thuốc BVTV vi sinh để giữ đất đai không bị bạc màu, tạo sản phẩm ngon, sạch, tốt cho sức khỏe.
Tại xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu), nhiều mô hình sản xuất VieGAP cũng đang được nhân rộng. Ông Trần Công Minh, chủ vườn mít hữu cơ 14ha chia sẻ, vườn mít của gia đình ông sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch. So với sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, phân vi sinh chi phí cao hơn, tuy nhiên, sức khỏe của người làm vườn và người tiêu dùng được đảm bảo, sản phẩm bán giá cao hơn, tuổi thọ của cây lâu hơn, đất đai màu mỡ hơn. Vỏ bao bì phân và thuốc, ông Minh thu gom, đóng bao và giao nộp lại cho đơn vị thu gom. Hiện tại mít siêu sớm ở vườn ông Minh được một công ty có trụ sở tại TP.HCM bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường 3 ngàn đồng/kg.
Nhiều năm trước “thủ phủ” chăn nuôi gà công nghiệp H.Trảng Bom luôn trong tình trạng ô nhiễm không khí. Vào mùa mưa, các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên người và vật nuôi tăng đáng kể. Từ định hướng của địa phương, nhiều hộ gia đình, trang trại trên địa bàn đã chuyển sang mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chuồng lạnh và khép kín kết hợp với sử dụng men vi sinh xử lý phân, nên tình trạng ô nhiễm không khí, dịch bệnh trên gia cầm giảm đáng kể.
Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom cho biết, nhờ áp dụng nhiều biện pháp, đến nay, huyện đã được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm và đang làm thủ tục đối với vùng chăn nuôi gia súc. Bên cạnh các tiêu chí về xử lý chất thải, các trại chăn nuôi đang hướng đến mô hình an toàn sinh học.
* Hướng đến mô hình sinh học, sản phẩm an toàn
Thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân, Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương tuyên truyền, định hướng cho người sản xuất sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh và thức ăn cho vật nuôi ít tác động đến môi trường đất, nước, không khí mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng.
Từ nhiều nguồn vốn, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 1,1 ngàn bể chứa bao bì thuốc BVTV, trung bình mỗi năm thu gom 6,3 tấn chất thải nguy hại, hỗ trợ xây dựng hàng ngàn công trình khí sinh học, triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đưa ra danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng, trong đó ưu tiên các loại thuốc có nguồn sinh học; tăng cường thanh kiểm tra về hoạt động buôn bán thuốc BVTV, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân sử dụng phân hóa học cân đối để hạn chế đất chai cằn, ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Văn Phi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp thường xuyên lồng ghép chương trình bảo vệ môi trường nông thôn vào các cuộc họp, tập huấn để nâng cao ý thức cho các hội viên. Tại nhiều cánh đồng, Hội đã phối hợp với các công ty sản xuất - kinh doanh thuốc BVTV đặt những thùng thu gom chai lọ, bịch đựng thuốc và định kỳ thu gom tiêu hủy. Ngoài ra, Hội vận động nông dân áp dụng các mô hình sản xuất an toàn, thu gom rác thải.
Từ cách làm trên, môi trường nông thôn ở nhiều nơi đã được cải thiện tốt hơn, nhưng nguy cơ ô nhiễm vẫn hiện hữu. Đó là nhiều bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV không đáp ứng được các tiêu chí đề ra (bể kín, có đáy, nắp đậy), việc thu gom rác ở các bể chứa thất thường dẫn đến nguy cơ ô nhiễm từ bể chứa; số lượng người nông dân sử dụng phân và thuốc hóa học vượt mức an toàn nhiều. Một lượng lớn khí ở hầm biogas chưa được sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Do đó, muốn môi trường nông thôn thực sự xanh, người nông dân phải thay đổi thói quen, áp dụng quy trình sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân bón, thuốc ít gây hại cho môi trường.
Ông Phạm Minh Lan, Trưởng phòng Quản lý phân bón, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, việc lạm dụng phân bón và thuốc BVTV là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Hướng đến mô hình sinh học, sản phẩm an toàn được xuất khẩu trực tiếp, Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh chương trình sử dụng phân bón hữu cơ hoàn toàn cho cây trồng nhằm giảm sự tác động của phân bón và thuốc hóa học đến môi trường và sức khỏe người nông dân. Tính đến nay, Bộ đã ký kết với 14 doanh nghiệp, thực hiện hơn 30 mô hình mẫu trên diện tích 50ha cho các loại cây trồng chủ lực. “Các mô hình này đang trong quá trình tổng kết, đánh giá và tiến tới nhân rộng ra các địa phương, trong đó có Đồng Nai” - ông Lan cho hay. |
Ban Mai