Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng...
Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính, cũng như có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng...
Lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa tại chợ đêm Biên Hùng vào giữa tháng 6-2020. Ảnh: CTV |
Đồng Nai là địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa diễn ra nhộn nhịp và nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua nên cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả trở nên khốc liệt hơn.
* Người tiêu dùng băn khoăn
Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các sạp hàng tạp hóa nhỏ lẻ đến các cửa hàng, chợ, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả một số trung tâm thương mại... tại các đô thị. Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc thường đa dạng về mẫu mã, chủng loại, “linh động” về giá cả...
Theo ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai, riêng trong tháng 6 này, các đội QLTT ra quân thực hiện kế hoạch phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hành giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn, trong đó có các địa điểm được Tổng cục QLTT “điểm mặt gọi tên” như: chợ Biên Hòa, chợ đêm Biên Hùng (TP.Biên Hòa), chợ mới Long Thành (H.Long Thành), trung tâm thương mại Viva Square (H.Trảng Bom)... |
Chị Cẩm Nhung, người dân ngụ P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây các con của chị thích ăn bánh kẹo nên mỗi khi đi chợ thấy những sạp bánh kẹo giới thiệu loại hàng mới dù là nội hay ngoại nhập, chị đều mua về. Hiện tại, một số chợ ở TP.Biên Hòa có bày bán nhiều loại bánh kẹo được giới thiệu là hàng nội địa Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan bán với giá khá rẻ, chỉ từ 5-10 ngàn đồng/cái hay bán theo kg, theo thùng dao động từ vài chục cho đến dưới 200 ngàn đồng/kg.
“Gần đây nhất, tôi mua 1kg bánh đủ loại được giới thiệu là hàng nội địa Trung Quốc, mở bao bì tôi thấy dù có rất nhiều gói hút ẩm nhưng bánh vẫn bị đổ dầu, có mùi khó chịu nên phải bỏ đi. Ngoài ra, trên bao bì của các loại bánh này đều viết bằng tiếng Trung Quốc, không có tiếng Anh hay dán tem phụ về thành phần, hướng dẫn sử dụng; dòng số in nhòe nhoẹt, khó nhìn, không rõ là ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Tuy có nhiều người truyền tai nhau về độ ngon, rẻ nhưng theo tôi mặt hàng này không đảm bảo an toàn, chất lượng nên không dám mua các loại bánh kẹo này về dùng nữa” - chị Nhung bộc bạch.
Nắm bắt nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, hay lợi dụng tâm lý các bà nội trợ còn ham rẻ, sính ngoại nên vẫn còn khá nhiều sản phẩm trôi nổi gắn mác thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan.
Anh Thanh Tùng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ, tại các cửa hàng chính hãng hay trung tâm thương mại, mỗi sản phẩm giày dép, áo quần, balo, mũ từ thương hiệu Adidas mà anh yêu thích thông thường có giá dao động từ 600 ngàn đồng đến khoảng 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, có lần mẹ của anh mua tặng anh chiếc áo Adidas được giới thiệu là hàng xả kho giá rẻ, lâu lâu mới có một đợt từ một tiểu thương ở chợ với giá 200 ngàn đồng khiến anh khá bất ngờ.
“Nếu đem chiếc áo này so với tem chính hãng thì rất khó phát hiện bằng mắt thường. Chiếc áo này thật ra là hàng nhái tinh vi, chỉ cần giặt một nước là sẽ rút lại, xuống màu không giống phom áo chính hãng” - anh Tùng cho hay.
Ngoài ra, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, trong thời gian qua, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến ngày càng trở nên tinh vi, khó lường.
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai nhận định, đối với hình thức mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro như: mua phải hàng giả, hàng không đúng với quảng cáo, cam kết chất lượng, các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cũng như gặp các vấn đề liên quan đổi trả, bảo hành sản phẩm...
Do đó, khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm để đánh giá chuẩn xác trong việc lựa chọn hàng hóa.
* Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn nổi cộm
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai cho biết, thực hiện kế hoạch của Tổng cục QLTT về việc đẩy mạnh công tác kiểm tra hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đến hết năm 2020, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đợt cao điểm kiểm tra, xử lý những trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra lượng hàng hóa thu giữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ảnh:L. Phương |
Vào giữa tháng 6 vừa qua, Đội QLTT số 3 (liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất) tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh do ông P.Q.T. làm chủ tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) phát hiện hơn 2 ngàn cuộn giấy vệ sinh nhãn hiệu Thanh Hà là hàng hóa đã được công bố bảo hộ, có dấu hiệu bị làm giả. Đội QLTT số 3 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, tiếp tục xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.
Vào đầu tháng 6-2020, Đội QLTT số 2 (TP.Biên Hòa - H.Vĩnh Cửu) đã thu giữ hơn 4.100 sản phẩm kích dục cho nam và nữ cùng 12kg bao bì các loại, toàn bộ hàng do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại một căn nhà 3 tầng ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng nói trên chưa xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan đến lô hàng này. Lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để tiến hành làm rõ.
Lam Phương