Báo Đồng Nai điện tử
En

Đến cuối năm 2020, Biên Hòa ngưng chăn nuôi

04:06, 26/06/2020

Thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi trong thành phố, hiện tại, 26/30 phường, xã của TP.Biên Hòa đã không còn hoạt động chăn nuôi.

Thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi trong thành phố, hiện tại, 26/30 phường, xã của TP.Biên Hòa đã không còn hoạt động chăn nuôi.

Mô hình sản xuất cá kiểng tại xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh:B.Nguyên
Mô hình sản xuất cá kiểng tại xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh:B.Nguyên

Riêng 3 phường An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng đang tích cực thực hiện kế hoạch ngưng chăn nuôi vào cuối năm 2020.

* 4/30 phường, xã còn chăn nuôi

Theo UBND TP.Biên Hòa, tính đến cuối tháng 5-2020, 3 phường An Hòa, Tam Phước, Phước Tân và xã Long Hưng vẫn còn 106 hộ chăn nuôi gia súc với trên 7 ngàn con gia súc các loại gồm: heo, trâu, bò, dê. Chăn nuôi gia cầm còn 99 hộ với tổng đàn gà, vịt trên 9 ngàn con. Chăn nuôi ở 4 phường, xã nói trên chủ yếu là các hộ quy mô nhỏ lẻ, chỉ có 3 trang trại heo và 1 trang trại gà.

Trong đó, riêng chăn nuôi heo vốn là vật nuôi chủ lực thu hút nhiều hộ chăn nuôi đầu tư hiện đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Cụ thể, hiện chăn nuôi heo chỉ còn 3 trang trại với tổng đàn trên 5,8 ngàn con, chăn nuôi nhỏ lẻ còn 38 hộ với tổng đàn 376 con.

Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, về chăn nuôi heo, số hộ, trang trại chăn nuôi heo tại 3 phường An Hòa, Tam Phước, Phước Tân và xã Long Hưng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Thành phố cũng tích cực thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi nên đến nay, 100% các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại đều được nhận hỗ trợ. Đa số các cơ sở chăn nuôi heo bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi đều không tái đàn mà chuyển đổi sang nghề khác. Tuy tổng đàn heo còn rất ít nhưng thành phố vẫn quan tâm kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Trong phương án điều chỉnh lộ trình ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm đến năm 2020 trên địa bàn các xã, phường An Hòa, Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước do UBND TP.Biên Hòa phê duyệt, các vật nuôi không được phép chăn nuôi tại các địa phương trên gồm: heo, trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, gấu, khỉ, gà, vịt, chim cút. Đối tượng phải chấp hành việc ngưng chăn nuôi này gồm: các hộ gia đình, cá nhân, các trang trại, các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp hiện có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô nhỏ, lẻ, vừa và lớn. Ngoài ra, chăn nuôi trên đất quốc phòng quản lý thuộc địa bàn TP.Biên Hòa; điểm trung chuyển động vật tại P.Long Bình Tân cũng nằm trong khu vực thuộc lộ trình phải ngưng chăn nuôi vào cuối năm 2020.

* Kiểm tra, xử lý các hộ chăn nuôi tái đàn

Nói về lộ trình ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn các phường, xã An Hòa, Long Hưng, Phước Tân và Tam Phước, bà Nguyễn Thị Duyên, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho biết thêm, Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và thú y, Phòng Tài nguyên - môi trường, UBND phường, xã đã làm việc với các trang trại và các hộ chăn nuôi về kế hoạch cụ thể để thực hiện ngưng hoạt động chăn nuôi trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Việc rà soát, thống kê đàn vật nuôi, thời gian xuất bán, chốt thời gian ngưng nuôi cho từng độ tuổi vật nuôi đã được triển khai. Người chăn nuôi đã được thông báo và thực hiện ký cam kết không chăn nuôi, không tái đàn vật nuôi khi đến thời gian xuất bán. Các trường hợp không tuân thủ các cam kết trên sẽ bị lập biên bản kiểm tra, xử lý theo quy định trong chăn nuôi, môi trường.

Mô hình trồng hoa lan tại xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình trồng hoa lan tại xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Cũng theo bà Duyên, hiện thành phố đang tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm chủ trương ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm vào cuối năm 2020. Yêu cầu các hộ chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đến các huyện có công bố quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tập trung để tiếp tục đầu tư chăn nuôi ổn định. Thành phố tạo điều kiện cho người chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề, ổn định đời sống.

Mục tiêu của việc ngưng chăn nuôi ở TP.Biên Hòa là nhằm bảo vệ môi trường sống trong các khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đất, không khí và nước trên địa bàn. Theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TP.Biên Hòa phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo giá trị gia tăng cao. Từ định hướng trên, thành phố đã triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn, rau thủy canh, hoa kiểng, nuôi thủy sản, nuôi lươn không bùn... để nhân rộng cho người dân sản xuất.

Tùy điều kiện thực tế mà các xã, phường ngưng chăn nuôi tập trung, chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp khác nhau như: phát triển mô hình trồng rau ăn lá ở các phường Phước Tân, Tam Phước; trồng hoa ở các phường Hiệp Hòa, An Hòa; nuôi trồng thủy sản ở các phường Hiệp Hòa, Tân Hạnh...

Bình Nguyên

Tin xem nhiều