Báo Đồng Nai điện tử
En

Chờ vốn, chủ đầu tư xin gia hạn thời gian hoàn thành

04:04, 18/04/2020

Theo kế hoạch, vào giữa năm 2019, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh phải hoàn thành thi công. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị "chậm lại" do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn.

Theo kế hoạch, vào giữa năm 2019, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh phải hoàn thành thi công. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị “chậm lại” do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn.

Thi công cầu Phước Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bắc qua sông Lòng Tàu nối H.Cần Giờ (TP.HCM) với H.Nhơn Trạch
Thi công cầu Phước Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bắc qua sông Lòng Tàu nối H.Cần Giờ (TP.HCM) với H.Nhơn Trạch. Ảnh: P. Tùng

* Thi công cầm chừng vì hết vốn

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai (2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành) dài hơn 27km thuộc các gói thầu từ A5-A7.

Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU), chủ đầu tư dự án cho hay, hiện nay về tiến độ các gói thầu xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được khoảng 40% tổng khối lượng công trình. Tuy nhiên, hiện nay, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên việc thi công dự án đang rất chậm. “Do thiếu vốn nên chúng tôi không thể đẩy nhanh tiến độ mà chỉ thi công cầm chừng” - ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, do thời gian thi công dự án kéo dài, không hoàn thành trong thời gian hiệp định vay vốn nên việc giải ngân cho dự án hiện không thể thực hiện. Điều này khiến cho toàn bộ dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đang rơi vào tình trạng “đói vốn”.

* Chủ đầu tư hết vốn chi trả bồi thường cho dân

Không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu xây dựng, việc chủ đầu tư cạn vốn cũng khiến cho quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng thi công dự án bị kéo dài. Để thực hiện dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai, nhà nước phải thu hồi 197ha đất của hơn 1.220 hộ dân.

Theo UBND tỉnh, đối với diện tích đất cần thu hồi trên địa bàn H.Long Thành, đến nay địa phương này đã hoàn thành xong công tác phê duyệt phương án bồi thường đối với toàn bộ diện tích. Hiện nay, UBND H.Long Thành đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 93% diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án. Đối với 25 hộ dân còn lại chưa thực hiện bàn giao mặt bằng, UBND H.Long Thành đang lập hồ sơ cưỡng chế.

Trong khi đó, tại H.Nhơn Trạch, hiện nay địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt khoảng 99% diện tích đất cần thu hồi. Đối với 2 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do đang có tranh chấp, UBND H.Nhơn Trạch cũng có kế hoạch cưỡng chế trong tháng 4 này.

Như vậy, đối với công tác giải phóng mặt bằng cho dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư lại không bố trí được vốn để chi trả hết cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, vừa qua, do chủ đầu tư chưa bố trí được vốn nên UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách tỉnh số tiền gần 12 tỷ đồng để chi trả cho 25 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng trên địa bàn H.Nhơn Trạch.

* Xin gia hạn thời gian thực hiện dự án

Theo kế hoạch, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thành vào giữa năm 2019. Tuy nhiên, với hàng loạt khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đang phải xin gia hạn thêm thời gian để hoàn thành các hạng mục xây dựng.

Ông Lê Mạnh Hùng cho hay, thời gian đầu thực hiện thi công dự án, đơn vị gặp nhiều khó khăn về vấn đề mặt bằng thi công. Bởi, dù Đồng Nai đạt tỷ lệ bàn giao mặt bằng khá cao nhưng mặt bằng được giao lại trong tình trạng “da beo”, rất khó thi công.

Hiện nay, khi những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ thì chủ đầu tư lại rơi vào cảnh “hết vốn” thực hiện dự án. Vì là dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay, do đó, để có thể đẩy nhanh tiến độ, các hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ phải được ký kết thì nguồn vốn mới được giải ngân. Do đó, hiện nay, chủ đầu tư dự án vẫn đang trong tình trạng “ngồi” chờ vốn để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công. “Cũng do khó khăn về nguồn vốn nên chúng tôi đang xin điều chỉnh đầu tư dự án. Theo đó, xin gia hạn thời gian hoàn thành đến năm 2022 hoặc 2023” - ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Cuối tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về xử lý vướng mắc đối với dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Trong đó xác định rõ cơ quan chủ quản và cấp quyết định đầu tư dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về sử dụng ngân sách nhà naước bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA do VEC làm chủ đầu tư. Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho Ngân hàng Phát triển châu Á biết phía Việt Nam đang tiến hành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn hiệp định vay đối với dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến ngày 1-6-2021.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều