Báo Đồng Nai điện tử
En

Để sản phẩm chăn nuôi VietGAP vững "đầu ra"

04:04, 18/04/2020

Đồng Nai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thực hiện tốt chăn nuôi an toàn và cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước xuất khẩu mặt hàng thịt gà vào thị trường "khó tính" là Nhật Bản.

Đồng Nai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thực hiện tốt chăn nuôi an toàn, và cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước xuất khẩu mặt hàng thịt gà vào thị trường “khó tính” là Nhật Bản. Để phát triển chăn nuôi bền vững, Đồng Nai rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP... trong chăn nuôi.

Vùng nuôi tôm càng xanh VietGAP tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú). Ảnh:N .Liên
Vùng nuôi tôm càng xanh VietGAP tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú). Ảnh:N .Liên

Theo đó, trên địa bàn tỉnh không thiếu những mô hình chăn nuôi GAP được nhân rộng từ heo, gà đến nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu của thị trường về sản phẩm GAP, an toàn cũng ngày càng lớn nhưng đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi GAP vẫn “hẹp” vì cung vẫn chưa gặp cầu.

* Chăn nuôi chuẩn VietGAP dần nhân rộng

Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi heo, gà của cả nước. Kết quả của việc Đồng Nai triển khai nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ để phát triển sản xuất sạch, sản xuất an toàn, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi GAP, trong đó có chăn nuôi heo, gà không ngừng được nhân rộng.

Theo ông  Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail của Thái Lan chuyên về lĩnh vực bán lẻ (tập đoàn đầu tư hệ thống siêu thị Big C), Central Retail đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, nông dân đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu, kích cầu cũng như tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản, đặc biệt ưu tiên cho nông sản VietGAP.

Theo Sở NN-PTNT, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 105 trang trại chăn nuôi heo, gà đạt chứng nhận VietGAP và 3 vùng chăn nuôi an toàn GAHP. Toàn tỉnh cũng có 616 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và 5 vùng an toàn dịch bệnh. Trong đó, khoảng 90% tổng đàn heo và 37,5% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc.

Các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang là “đầu tàu” trong đầu tư chăn nuôi GAP. Cụ thể như Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (H.Trảng Bom) đã phát triển được hệ thống các trang trại chăn nuôi gà VietGAP; Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và chăn nuôi Thanh Đức (H.Xuân Lộc) nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn GlobalGAP với sản phẩm trứng gà đạt chuẩn xuất vào thị trường Nhật Bản, châu Âu…

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 1 Hưng Lộc (H.Thống Nhất) chia sẻ, tuy các thành viên trong tổ hợp tác đều chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ nhưng sản phẩm vẫn được cấp chứng nhận VietGAP nhờ được sự hỗ trợ rất nhiều từ dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap). Ngoài hỗ trợ trong việc tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí, quy trình thủ tục trong việc được chứng nhận VietGAP, dự án còn tổ chức rất nhiều chương trình kết nối, thu hút doanh nghiệp về bao tiêu heo VietGAP cho nông dân với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm thịt an toàn.

Về thủy sản, toàn tỉnh cũng có 8 vùng nuôi thủy sản đạt chuẩn VietGAP tại các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Nhơn Trạch, Định Quán, Xuân Lộc với tổng diện tích gần 133ha. Sản phẩm thủy sản được chứng nhận VietGAP khá đa dạng như: tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá trắm, cá lóc, cá rô đồng... Đặc biệt, một số địa phương đã hình thành được vùng chuyên canh thủy sản VietGAP với quy mô lớn như: vùng nuôi cá tra tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) với diện tích trên 51ha; vùng nuôi tôm càng xanh VietGAP tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú) với diện tích hơn 30ha...

* Chưa mở rộng được kênh tiêu thụ

Thực tế, trừ một số ít các sản phẩm heo, gà VietGAP của người chăn nuôi vào được kênh tiêu thụ siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, hiện đa số sản phẩm chăn nuôi VietGAP vẫn bán trôi nổi cho thương lái nên người tiêu dùng hầu như chưa biết đến những sản phẩm an toàn này. Tuy thời gian qua, không thiếu những doanh nghiệp, hệ thống siêu thị lớn ký kết hợp tác bao tiêu heo, gà VietGAP cho nông dân theo chuỗi liên kết nhưng đầu ra cho sản phẩm an toàn này vẫn là cánh cửa hẹp do đa số các chuỗi liên kết này dễ dàng đứt gãy.

Vùng chuyên canh nuôi cá tra VietGAP tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Ngọc Liên
Vùng chuyên canh nuôi cá tra VietGAP tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Ngọc Liên

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết thêm: “Khi thị trường thuận lợi thì doanh nghiệp thu mua heo khá đều nhưng khi có biến động hoặc gặp khó khăn họ sẵn sàng ngừng thu mua. Theo đó, đa số heo VietGAP vẫn phải bán trôi nổi cho thương lái bằng với giá heo không được chứng nhận, sản phẩm GAP cũng không được người tiêu dùng nhận diện khi ra thị trường”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phi Long, một trong những chủ trang trại tiên phong ứng dụng mô hình chăn nuôi VietGAP tại Đồng Nai cho hay, các trang trại chăn nuôi VietGAP phải đầu tư số vốn không nhỏ để chuẩn hóa từ chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, nhà kho... Quá trình nuôi cũng phải tuân theo quy trình rất chặt chẽ, chi phí đầu vào cũng tăng hơn. Nhưng hiện sản phẩm VietGAP chủ yếu vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường, chưa có sự phân biệt về giá so với mặt bằng chung nên nhiều nông dân chưa mấy mặn mà tham gia.

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, trong đó có sản phẩm VietGAP. Nhu cầu này là rất lớn nhưng sản phẩm chăn nuôi VietGAP của nông dân vẫn chưa tiếp cận được. Theo ông Ngô Tấn Tài, Tổ phó Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh VietGAP Trà Cổ (H.Định Quán), nông dân không ngại tuân thủ những yêu cầu rất khắt khe từ quy trình sản xuất đến thu hoạch, bảo quản; khó nhất là phải ghi chép lại và lưu trữ hồ sơ về cả quá trình canh tác. Sản xuất sạch tốn công và chi phí hơn nhưng nông dân vẫn phải bán sản phẩm sạch như hàng thường vì chưa tìm được kênh tiêu thụ ổn định. Con tôm VietGAP chủ yếu vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường, thậm chí có lúc còn bị ép giá. “Nông dân chúng tôi không đủ năng lực để đầu tư xây dựng nhãn hàng, thương hiệu cũng như phát triển kênh phân phối cho con tôm VietGAP, mong được chính quyền địa phương hỗ trợ để sản phẩm có đầu ra ổn định” - ông Tài nói.

Tuy nhiên, để tiếp cận được các kênh bán hàng hiện đại, doanh nghiệp, HTX phải quan tâm đầu tư khâu bao bì, nhãn mác. Central Retail cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn, hướng dẫn cho các HTX về quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Bình Nguyên

Tin xem nhiều