Hiện nay, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn được vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như: nông nghiệp - nông thôn, cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để mở rộng mặt bằng sản xuất, phát triển kinh doanh.
Hiện nay, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn được vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như: nông nghiệp - nông thôn, cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để mở rộng mặt bằng sản xuất, phát triển kinh doanh.
Cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là một trong những lĩnh vực cho vay ưu tiên. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch bưởi tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: H.Quân |
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này bởi những ràng buộc về mặt thủ tục, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với doanh nghiệp.
* Dư nợ tín dụng tăng
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 1-2020, nguồn vốn cho vay nằm trong các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên đều có xu hướng tăng so với năm 2019.
Đơn cử, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tính đến cuối tháng 1-2020 đạt khoảng 52,2 ngàn tỷ đồng, tăng 0,38% so với cuối năm 2019, chiếm tỷ trọng gần 24,3% so với tổng dư nợ cho vay. Trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này có khoảng hơn 10,4 ngàn tỷ đồng dư nợ không phải đảm bảo bằng tài sản, chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Tương tự, tính đến cuối tháng 1-2020, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 43,1 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cuối năm 2019, chiếm tỷ trọng hơn 20% so với tổng dư nợ cho vay. Trong khi đó, hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 33,2 ngàn tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2019, chiếm gần 15,5% so với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho hay, ngành ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai đã triển khai nhiều gói, sản phẩm cho vay ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, trong những tháng vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cập nhật, điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn mua nguyên liệu, thanh toán tiền hàng...
* Tiếp cận vốn tín chấp gặp khó
Trên thực tế, để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nói trên, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện thẩm định về công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhân công lao động. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.
Ông Phùng Xuân Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, hợp tác xã đang triển khai thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP. Dù có nhiều chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, thế nhưng, nhìn chung hợp tác xã vẫn gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn này bởi nhiều khoản vay hiện nay vẫn dựa trên tài sản thế chấp. Trong khi hợp tác xã không dễ thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn tín chấp dựa trên kế hoạch, phương án sản xuất…
Chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm chăn nuôi ở H.Xuân Lộc cho hay, doanh nghiệp vẫn luôn có nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh, đổi mới công nghệ… Tuy nhiên, việc vay với lãi suất ưu đãi còn gặp khó khăn, nhất là đối với các khoản vay tín chấp được thẩm định dựa trên chiến lược, phương án kinh doanh…
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nhận định, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được hưởng mức ưu đãi thực sự như quy định thì vẫn còn tùy thuộc vào các thỏa thuận, điều kiện riêng đối với ngân hàng. Hơn thế nữa, hiện nhiều ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa thực sự chú trọng việc thẩm định dựa trên hiệu quả từ phương án kinh doanh. Điều này sẽ giúp các ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro, trong khi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.
Ngoài ra, khi đã đáp ứng đủ hồ sơ để vay vốn thế chấp thì nhiều doanh nghiệp cũng phải chờ đợi các thủ tục, trình tự để giải ngân nguồn vay vốn khá dài. Điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo một số chuyên gia, những nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi là do: thiếu tài sản thế chấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao, báo cáo tài chính không được lập một cách đúng chuẩn… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, các phương án kinh doanh khả thi.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiết giảm chi phí để có mức lãi suất cho vay phù hợp, nhất là các khoản vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… |
Hải Quân