Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

04:01, 15/01/2020

Thời gian qua, nhiều tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Do đó, các doanh nghiệp trong KCN mong muốn UBND tỉnh sớm mở rộng các tuyến đường giao thông trên, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Thời gian qua, nhiều tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Do đó, các doanh nghiệp trong KCN mong muốn UBND tỉnh sớm mở rộng các tuyến đường giao thông trên, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Sản xuất tại Công ty TNHH dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Ảnh:H.Giang
Sản xuất tại Công ty TNHH dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Ảnh:H.Giang

Tại các địa phương có nhiều KCN đóng chân trên địa bàn như huyện Trảng Bom, TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch hiện đều có những tuyến đường kết nối với các KCN có diện tích mặt đường quá nhỏ so với nhu cầu lưu thông. Đây cũng là khó khăn của nhiều doanh nghiệp và đang hy vọng tỉnh sớm tháo gỡ.

* Nhiều tuyến đường quá tải

Những tuyến đường kết nối với KCN đang bị quá tải có thể kể đến là: đường vào KCN Sông Mây, đường vào KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom), đường kết nối KCN Loteco, Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), tuyến đường 25B ngang qua các KCN ở huyện Nhơn Trạch. Vào giờ cao điểm buổi sáng, trưa, chiều xe qua lại trên các con đường này đều phải xếp hàng nối đuôi nhau nhích từng chút một. Việc này gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa về nhà máy sản xuất hoặc xuất kho đưa ra cảng, nơi khác để xuất khẩu, tiêu thụ trong nước.

Ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH dệt nhãn Junmay ở KCN Sông Mây cho biết: “Vào giờ cao điểm từ ngã ba Trị An vào đến KCN Sông Mây thường xuyên bị kẹt xe, còn những thời điểm khác cũng khá đông đúc khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian đưa hàng hóa qua lại đoạn đường trên. Do đó, các doanh nghiệp rất mong tỉnh sớm có kế hoạch mở rộng tuyến đường để tạo sự thông thoáng”. Những doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Sông Mây cũng nhiều lần đề xuất được nâng cấp, mở rộng tuyến đường. Tuy nhiên, thực hiện việc này không dễ dàng vì hai bên đường người dân đã ở kín, muốn mở rộng đường phải có vốn lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng.

Tương tự, lối vào KCN Hố Nai hầu như ngày nào cũng bị kẹt cứng vào giờ cao điểm, xe máy, ô tô đi vào những giờ trên rất khó khăn, di chuyển trên đoạn đường 1-2km có khi mất 20-30 phút.

Anh Trần Minh Dương, công nhân làm việc tại KCN Hố Nai chia sẻ: “Hôm nào nhà máy tan ca vào giờ cao điểm, tôi đều phải mất gần nửa tiếng đồng hồ mới qua được đoạn đường nối từ KCN ra quốc lộ 1A. Có hôm tôi tìm đường đi tắt trong các hẻm nhưng cũng bị kẹt”. Hiện đoạn đường này đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí để mở rộng, song đang vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng nên dự án kéo dài thời gian chưa thi công được.

Còn tuyến đường Bùi Văn Hòa kết nối với KCN Loteco, Biên Hòa 2 thì khá chật chội, khi mỗi ngày có vài chục ngàn công nhân ra vào KCN, hàng ngàn xe vận chuyển hàng hóa ra vào và đi qua. Hiện con đường này đã xuống cấp, mùa mưa thường xuyên bị ngập úng khiến tình trạng kẹt xe diễn ra nặng nề hơn. Tỉnh đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhưng chưa thực hiện được.

* Mở rộng đường xong, vẫn... kẹt

Đường 25B nối từ quốc lộ 51 vào Trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch ngang qua nhiều KCN của huyện Nhơn Trạch. Đây cũng là tuyến đường chính để các công ty vận chuyển hàng hóa ra vào các KCN Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3... Tuyến đường này mới được UBND tỉnh mở rộng gấp 2 lần so với trước đây nhưng vẫn liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài vào sáng, trưa, chiều.

Ông Ma Liang Hua, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị vệ sinh Caesar Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Các doanh nghiệp trong KCN Nhơn Trạch đều hy vọng tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng đoạn đường 25B để giúp doanh nghiệp đi lại thuận lợi. Đồng thời, mở thêm các tuyến đường giao thông khác, giảm áp lực cho đoạn đường này”.

Huyện Nhơn Trạch là nơi có nhiều KCN nhất tỉnh, tới đây sẽ có Cảng Phước An được xây dựng và đi vào hoạt động. Vì thế, đây là địa phương được tỉnh ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, làm các đường kết nối vào cảng, cao tốc... Thế nhưng, khó khăn lớn của huyện là đất đai tại đây thời gian qua lên cơn “sốt” khiến việc bồi thường ách tắc kéo dài, dẫn đến tiến độ các dự án giao thông cũng chậm theo làm ảnh hưởng chung đến địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết: “Những khó khăn của các KCN về giao thông kết nối đều đã được ban tổng hợp và đề xuất UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ. Thời gian qua, tỉnh đã mở rộng đường vào KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom), đường 25B, nhưng vẫn chưa đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp”.

Giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào các KCN trong tỉnh. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp vì thế kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động tốt, cũng đồng nghĩa với việc tăng nguồn thu cho tỉnh và Trung ương.

Hương Giang

Tin xem nhiều