Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An

10:09, 04/09/2019

Đề án "Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An" đang được tích cực triển khai và được xem là lời giải cho bài toán khó về tình trạng phát triển tự phát của các làng nuôi cá bè thời gian qua.

Đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An” đang được tích cực triển khai và được xem là lời giải cho bài toán khó về tình trạng phát triển tự phát của các làng nuôi cá bè thời gian qua.

Hiện số vèo nuôi cá bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán) đang tăng nhanh. Ảnh: B.Nguyên
Hiện số vèo nuôi cá bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán) đang tăng nhanh. Ảnh: B.Nguyên

Quy hoạch lại một cách hợp lý cũng nhằm góp phần hạn chế rủi ro về tình trạng cá chết, nâng cao thu nhập cho người nuôi cá bè và nhất là bảo vệ nguồn nước sinh hoạt từ sông Đồng Nai cho 2 thành phố lớn là TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh.

Để quy hoạch đi vào thực tế, địa phương và các đơn vị, sở, ngành có chức năng quản lý hoạt động nuôi cá bè cũng cần thực hiện tốt công tác phối hợp để hạn chế tình trạng nhiều đơn vị quản lý chồng chéo nhưng hầu như vẫn bị buông lỏng lâu nay.

* Chồng chéo trong quản lý

Theo báo cáo của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, năm 2016, hoạt động nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An chủ yếu tập trung tại 2 huyện Vĩnh Cửu và Định Quán với tổng số hộ nuôi là 506 hộ, trong đó có 601 bè nuôi, 1.260 vèo và thể tích nuôi trên 182 ngàn m3.

Đến đầu năm 2019, tuy tổng số hộ nuôi có giảm xuống, chỉ còn 461 hộ nuôi với 529 bè nhưng số vèo lại tăng hơn gấp 2 lần, lên đến 2.767 vèo và thể tích tăng gần gấp 3 lần, đạt 608 ngàn m3. 

Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết, nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển từ năm 1995 với số lồng bè trên hồ Trị An không quá 300 lồng bè. Đến nay, số hộ nuôi, số lồng bè trên địa bàn huyện cũng không tăng nhiều nhưng lại phát sinh khá lớn về lượng vèo nuôi. Quy hoạch đến năm 2020 của huyện Định Quán có 610 bè, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 900 hécta, sản lượng khoảng 25,6 ngàn tấn. Tính đến nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa vượt quy hoạch cả về sản lượng và diện tích vì chỉ mới phát triển được 880 hécta, sản lượng đạt 22,5 ngàn tấn.

Theo Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An” cần đưa ra các tiêu chí thống nhất về quy cách số bè, số vèo để có cơ sở đánh giá thực trạng nuôi cá lồng bè hiện nay có vượt quy hoạch đề ra hay không. Khi quy hoạch được phê duyệt, các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc tổ chức di dời các hộ nuôi cá bè theo đúng quy hoạch; tổ chức cưỡng chế nếu các hộ không chấp hành. Các sở, ngành và địa phương liên quan cần quan tâm bàn giải pháp trong công tác tuyên truyền, khuyến cáo, quản lý không để tái diễn tình trạng cá chết, gây khiếu kiện gay gắt.

Hồ Trị An mang tính đặc thù do là lòng hồ có tính năng bảo tồn nên có nhiều nội dung cần quản lý như: quản lý đất đai vùng bán ngập, quản lý hành lang bảo vệ lòng hồ, quản lý nuôi trồng thủy sản, quản lý giao thông đường thủy… Trách nhiệm quản lý chính vẫn là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nhưng có rất nhiều đơn vị cùng tham gia như: UBND huyện Định Quán, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên - môi  trường, Sở Giao thông - vận tải, Nhà máy thủy điện Trị An… nên công tác phối hợp gặp rất nhiều khó khăn.

“Tồn tại, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là sự phối hợp trong công tác quản lý lòng hồ Trị An. Cần phải có quy định cụ thể để đảm bảo công tác phối hợp giữa các cơ quan thì việc quản lý lòng hồ Trị An mới tốt được” - ông Biên nhận định.

Là thành viên trong đoàn giám sát của HĐND tỉnh về hoạt động nuôi cá bè trên hồ Trị An, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền đánh giá: “Tuy số lồng bè nuôi cá trên hồ Trị An không tăng nhưng số vèo tăng gấp nhiều lần cũng đã phá vỡ quy hoạch đề ra. Vấn đề hiện nay là hầu như chưa có tác động của quản lý nhà nước vào hoạt động nuôi cá bè trên Hồ Trị An. Chính vì quản lý chưa hiệu quả nên các hộ nuôi cứ tự do gắn thêm vèo, nới rộng thêm lồng bè mà không cần xin phép. Đa số các lồng, bè đều không tuân theo những quy định, tiêu chuẩn kiểm định của ngành quản lý”.

Khó khăn hiện nay là chưa có cơ quan nào có chức năng phê duyệt, cấp phép cho hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè trên hồ Trị An. Theo đó, hoạt động nuôi cá bè vẫn hoàn toàn phát triển một cách tự phát. Các nghĩa vụ liên quan về việc đóng thuế khi tham gia sản xuất của người nuôi cá bè cũng hầu như chưa thực hiện.

* Chấn chỉnh lại tình trạng nuôi tự phát

Chỉ ra nút thắt cần tháo gỡ trong quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, ông Đào Văn Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Định Quán nhấn mạnh: “Khó khăn lớn nhất là việc quản lý nuôi cá bè trên hồ Trị An bao nhiêu năm qua còn rất nhiều bất cập, có sự chồng chéo giữa địa phương và các đơn vị, sở, ngành liên quan”.

Theo ông Phước, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các ngành sớm tham mưu cho UBND tỉnh về việc quy rõ trách nhiệm giữa địa phương cùng các đơn vị, sở, ngành liên quan để sớm triển khai thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý. Vì nếu không chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ khó khăn thì nạn cá chết sẽ tiếp tục tái diễn gây thiệt hại lớn cho người dân.

Cá chết hàng loạt trên sông La Ngà (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Cá chết hàng loạt trên sông La Ngà (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Về việc cấp phép cho hoạt động nuôi cá bè trên sông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho hay, vài năm trở lại đây, công tác tuyên truyền cho người nuôi cá bè được tổ chức thường xuyên, tập trung vào nội dung hướng dẫn kỹ thuật nuôi, khuyến cáo nuôi loài nào, mùa nào, cảnh báo về rủi ro…

Sau khi tuyên truyền, người nuôi cá bè đã ký cam kết thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đây cũng là lý do tại sao những năm trước khi xảy ra tình trạng cá chết, tỉnh đã hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nhưng từ năm 2018, tỉnh sẽ không hỗ trợ trong trường hợp người dân không thực hiện đúng cam kết.

“Về công tác cấp phép, theo Luật Chăn nuôi mới, hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được cấp phép nhưng hiện nay đang vướng cấp phép là người nuôi phải có quyền sử dụng mặt nước hoặc thuê quyền sử dụng mặt nước. Vấn đề đặt ra là cơ quan nào đứng ra cho thuê mặt nước này, trong khi quy định chưa rõ ràng về chức năng nhiệm vụ. Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể để gỡ nút thắt này” - ông Gọi nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, đơn vị đang triển khai 2 dự án gồm: dự án điều tra hiện trạng nguồn lợi thủy sản và quy hoạch phân khu chức năng. Trước đây huyện, tỉnh đã có quy hoạch nhưng đều là quy hoạch tổng thể, chưa có quy hoạch chi tiết nên không thể quản lý, sắp xếp. 2 dự án khu bảo tồn đang thực hiện song song, hiện đã xác định chỗ nào là phục hồi sinh thái, chỗ nào nuôi cá lồng bè…

Quy hoạch nuôi cá bè trên hồ Trị An sẽ căn cứ trên cơ sở khảo sát chi tiết hiện trạng, xác định các tiêu chí, vị trí neo đậu bè, tính toán số lượng, mật độ, kích thước, khoảng cách giữa các bè nuôi… để thực hiện việc sắp xếp lại vùng nuôi một cách hợp lý. Dự kiến đến tháng 9, 2 dự án này được tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều