Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu đúng khái niệm hàng Việt Nam

03:08, 13/08/2019

Nhiều siêu thị, đại lý hàng hóa, các chợ bán lẻ… lâu nay thường công bố hàng Việt họ bày bán đạt tỷ lệ rất cao, vào khoảng từ 80% trở lên là sản phẩm Việt Nam.

Nhiều siêu thị, đại lý hàng hóa, các chợ bán lẻ… lâu nay thường công bố hàng Việt họ bày bán đạt tỷ lệ rất cao, vào khoảng từ 80% trở lên là sản phẩm Việt Nam.

Các loại bánh kẹo đóng gói, đặc sản địa phương được trưng bày ở các siêu thị thường là nhóm sản phẩm hàng Việt Nam.  Trong ảnh: Một gian trưng bày các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa Ảnh: H.HẢI
Các loại bánh kẹo đóng gói, đặc sản địa phương được trưng bày ở các siêu thị thường là nhóm sản phẩm hàng Việt Nam. Trong ảnh: Một gian trưng bày các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa Ảnh: H.HẢI

[links()]Tuy nhiên, việc phân biệt thế nào là hàng Việt Nam chính hãng, đâu là hàng được gắn mác hàng Việt hay sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam… vẫn chưa có quy chuẩn nào cụ thể. Do đó, người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn khi muốn phân biệt hàng hóa nào mới là hàng “made in Vietnam”. 

* Nhận biết “bằng niềm tin”?

Hiện nay, Việt Nam có hơn 600 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có 2% là doanh nghiệp lớn, còn lại 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn như: Vissan, Vingroup, Vinamilk, TH Truemilk, Masan, Vinacafé, đường Biên Hòa, Bibica..., những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trên thực tế, để người tiêu dùng phân biệt thế nào là hàng Việt là một bài toán nan giải. Nhiều quan niệm cho rằng cứ mặt hàng nào được gắn mác “made in Vietnam” là hàng sản xuất từ nguyên liệu, gia công, chế tác trong nước. Đa phần trong số họ sử dụng hàng “made in Vietnam” dựa trên trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Chị Thu Huyền (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay: “Theo tôi, hàng Việt là hàng có nguồn nguyên liệu và được sản xuất trong nước. Điều này sẽ dễ dàng nhận biết ở các nhóm sản phẩm như: đồ may mặc, nông sản, thực phẩm… Còn những mặt hàng khác về hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thì tôi thường phán đoán thông qua quảng cáo về sản phẩm hoặc theo những tên gọi thuần Việt”.

Anh Hoàng Phương (xã Phú Trung, huyện Tân Phú) bày tỏ thắc mắc, những sản phẩm về công nghệ như điện thoại BPhone có sử dụng các linh kiện ở nước ngoài thì có được xem là sản phẩm mang thương hiệu Việt?

Quan điểm hàng Việt là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam vẫn được xem là cơ sở cho những con số thống kê “80-90% hàng Việt” trong hầu hết các chợ, siêu thị hay trung tâm thương mại, dù nó cũng gây không ít nghi ngờ.

Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho hay, khoảng 90% sản phẩm được bày bán ở siêu thị là hàng Việt, trong đó phần lớn hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… là sản phẩm của các công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam. Còn nếu tính hàng hóa thuần Việt thì chỉ chiếm khoảng 50% chủng loại hàng hóa ở siêu thị, tập trung vào các nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, nông sản, hàng may mặc…

* Thiếu những quy định cụ thể

Từ ngày 1-6-2017, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước về xuất xứ hàng hóa hoặc quy định của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có quy chuẩn về một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Các loại bánh kẹo đóng gói, đặc sản địa phương được trưng bày ở các siêu thị thường là nhóm sản phẩm hàng Việt Nam. Trong ảnh: Một gian trưng bày các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Hải
Các loại bánh kẹo đóng gói, đặc sản địa phương được trưng bày ở các siêu thị thường là nhóm sản phẩm hàng Việt Nam. Trong ảnh: Một gian trưng bày các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Hải

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, thị trường tiêu dùng vẫn đang tồn tại những bất cập, nhập nhằng về định nghĩa hàng Việt. Một quan niệm thường thấy về hàng Việt là hàng hóa sản xuất trong nước và thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đó được sở hữu bởi một doanh nghiệp Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế, cũng có quan niệm cho rằng hàng “made in Vietnam” có thể là hàng do các tập đoàn đa quốc gia hay công ty nước ngoài mở nhà máy tại Việt Nam để sản xuất…

Một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Đơn cử như những lùm xùm xung quanh sản phẩm mang thương hiệu Asanzo trong thời gian qua đã tốn không ít giấy mực từ báo chí về vấn đề thế nào là sản phẩm “made in Vietnam”. Sự việc này càng cho thấy sự cần thiết của việc ban hành những quy định cụ thể về hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam, thế nào là sản phẩm mang thương hiệu Việt.

* Cạnh tranh trên “sân nhà”

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, việc xác định rõ ràng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam) là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Nếu làm không đúng sẽ dễ xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ, nhãn mác không chỉ vì mục đích giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển thương hiệu thuần Việt trong bối cảnh hội nhập, thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Hơn thế nữa, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước có phần bị động khi các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị… điều chỉnh một số chính sách phát triển, cơ cấu ngành hàng. Điều này sẽ khiến cho các hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn nhiều hơn khi phải cạnh tranh ngay trên “sân nhà” với mặt hàng cùng loại của nước ngoài.

Đồ họa thể hiện tỷ lệ các ý kiến góp ý của người tiêu dùng để các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước có định hướng phát triển, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng dựa trên kết quả khảo sát (ở khu vực nông thôn) của Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh trong năm 2018. (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tỷ lệ các ý kiến góp ý của người tiêu dùng để các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước có định hướng phát triển, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng dựa trên kết quả khảo sát (ở khu vực nông thôn) của Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh trong năm 2018. (Đồ họa: Hải Quân)

Đơn cử, vào đầu tháng 7 vừa qua, do có những chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại hệ thống phân phối tại Việt Nam, Central Group (tập đoàn sở hữu hệ thống siêu thị BigC Việt Nam) đã thông báo tạm ngừng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, gây xôn xao dư luận.

Về vấn đề này, ông Vũ Thanh Tân, Trưởng phòng Truyền thông của hệ thống siêu thị BigC cho hay, việc tạm dừng hoạt động mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam chỉ là hoạt động tạm thời trong 2 tuần.

Đến nay, sau một thời gian xem xét năng lực của 200 nhà cung ứng dệt may Việt Nam, Central Group đã mở lại mã hàng và tiếp tục có đơn đặt mua hàng của 169 nhà cung ứng hàng dệt may. 31 nhà cung ứng còn lại đã chủ động dừng cung cấp hàng cho Central Group từ đầu năm 2019.

Trong thời gian tới, BigC Việt Nam sẽ tiếp tục có những hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung theo xu hướng ngày càng nâng cao chất lượng, phù hợp với các tiêu chí về hội nhập…

Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu, đảm bảo các tiêu chuẩn, nguồn gốc cần thiết là vấn đề không dễ với nhiều doanh nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cạnh tranh với các sản phẩm của các thương hiệu lớn, sản phẩm nhập khẩu…

Hoàng Hải

 

Tin xem nhiều