Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều công trình thủy lợi cần nâng cấp, sửa chữa

10:08, 12/08/2019

Trước khi bước vào cao điểm mùa mưa bão, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo phục vụ sản xuất vụ hè thu và vụ mùa năm 2019.

Trước khi bước vào cao điểm mùa mưa bão, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo phục vụ sản xuất vụ hè thu và vụ mùa năm 2019.

Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai khảo sát điểm đặt trạm bơm tại khu vực thủy lợi đập Đồng Hiệp (huyện Tân Phú)
Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai khảo sát điểm đặt trạm bơm tại khu vực thủy lợi đập Đồng Hiệp (huyện Tân Phú)

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tỏ ra lo ngại vì nhiều công trình thủy lợi đã xuống cấp nhưng chưa có nguồn kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bước vào cao điểm mùa mưa bão.

* Địa phương kêu khó

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký lo lắng: “Hiện nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đều đã xuống cấp. Đáng báo động là đoạn xả tràn của hồ Đa Tôn có nhiều mối thắt nút cổ chai nên khi mưa lớn kéo dài có nguy cơ gây lũ làm thiệt hại về hoa màu, tài sản, thậm chí tính mạng người dân”.

Ngoài ra, một số hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện như đập Năm Sao (xã Phú Bình) cũng đã xuống cấp, cần sớm được duy tu, sửa chữa. Địa phương cũng mong sớm được đầu tư thêm một số công trình thủy lợi như: trạm bơm tại xã Nam Cát Tiên, Trạm bơm Đồng Hiệp, hồ chứa nước suối Đá Tượng... để giải quyết bài toán khó thiếu nước sản xuất vụ đông xuân của địa phương trong rất nhiều năm nay.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, tỉnh đã có kế hoạch quy hoạch đầu tư cho hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Căn cứ vào quy hoạch này, việc bố trí vốn vừa phải đảm bảo việc đầu tư các công trình thủy lợi phù hợp với quy hoạch, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các địa phương theo hướng ưu tiên cho các dự án cần kíp trước.

Cùng nỗi lo trên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho biết: “Công trình hồ Gia Ui có một số nơi xuống cấp; một số đoạn kênh mương cũng bị rò rỉ, mong đơn vị quản lý quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Địa phương cũng rất mong các dự án Trạm bơm La Ngà và hồ Gia Ui 2 sớm được phê duyệt, triển khai để giải quyết vấn đề thủy lợi phục vụ sản xuất cho nhiều xã trên địa bàn huyện, góp phần hỗ trợ địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước”.

Bà Tạ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai kiến nghị: “Kết quả kiểm định các hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom), Đa Tôn (huyện Tân Phú), Gia Ui (huyện Xuân Lộc) cho thấy cần phải có phương án sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn công trình. Hệ thống kênh mương đập dâng Năm Sao cũng đã xuống cấp. Mong UBND tỉnh có chủ trương đầu tư vốn để nâng cấp, sửa chữa các công trình trên”.

* Chủ động ứng phó

Dự báo tình hình thời tiết, nhất là về mùa mưa bão năm 2019, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy nhận xét, dù đang vào cao điểm mùa mưa nhưng lượng mưa hiện mới chỉ đạt 44%, thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Số cơn mưa, ngày có mưa ít hơn nhưng một số cơn mưa có cường độ lớn có thể gây ngập cục bộ ở một số địa phương. Nhiệt độ trong mùa mưa năm nay cũng cao hơn so với mức trung bình nhiều năm.

Nhiều vùng sản xuất của huyện Xuân Lộc gặp khó khăn do thiếu nguồn nước tưới
Nhiều vùng sản xuất của huyện Xuân Lộc gặp khó khăn do thiếu nguồn nước tưới

Mùa mưa năm nay có thể kết thúc sớm hơn, lượng mưa cũng giảm hơn mọi năm. “Mực nước sông suối chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn mọi năm. Năm nay có thể khô hạn hơn, nguồn nước dự trữ tại các sông, hồ cũng ít hơn mọi năm” - ông Nguyễn Phước Huy nhận định.

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Nguyễn Minh Kiều cũng cho rằng, ước tính khả năng đáp ứng nhu cầu nước tưới để hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn. Cụ thể, từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2019, hạn rất lớn, nhiều cánh đồng khô hạn rất sớm ngay từ những ngày Tết Nguyên đán 2019, nhiều địa phương đã phải đồng loạt ra quân chống hạn. “Công ty sẽ làm việc với các địa phương bàn về giải pháp giảm nhu cầu sử dụng nước, chủ yếu tập trung vào giải pháp giảm diện tích sản xuất hoặc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang cây trồng khác tiết kiệm nước hơn. Tỉnh cũng nên quan tâm đến phương án cho nạo vét các hồ chứa nước tại các địa phương để tăng dung tích chứa nước” - ông Kiều đề xuất.

Chỉ đạo về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu: “Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai hiện đang quản lý 23 công trình thủy lợi; nhiều công trình khác do các địa phương trực tiếp quản lý. Doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác phối hợp với các địa phương trong vận hành, quản lý để khai thác hiệu quả nhất các công trình thủy lợi trên địa bàn. Trong đó, phương án nạo vét các hồ đập nhằm tăng dung lượng, sức chứa cho các hồ là giải pháp nhanh, hiệu quả, ít tốn kém nên cần ưu tiên thực hiện”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều