Theo kết quả vừa được công bố dựa trên cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai năm 2018 xếp hạng thứ 7 toàn quốc.
Theo kết quả vừa được công bố dựa trên cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai năm 2018 xếp hạng thứ 7 toàn quốc.
Đại diện các chủ trang trại ở Đồng Nai tìm hiểu về kỹ năng tìm kiếm, trao đổi thông tin, đưa đặc sản của địa phương lên sàn giao dịch điện tử postmart.vn. Ảnh: Hương Giang |
Cuộc khảo sát được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tiến hành tại 4,5 ngàn doanh nghiệp ở các địa phương trên cả nước. Tỷ lệ các loại hình doanh nghiệp cũng tương đồng so với những năm trước, trong đó công ty TNHH chiếm tỷ lệ lớn nhất với 50% tổng số doanh nghiệp khảo sát, tiếp theo là công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài...
* Đồng Nai thuộc nhóm đạt chỉ số cao
Kết quả khảo sát dựa trên 4 nhóm tiêu chí lớn gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp (G2B).
Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai xếp hạng thứ 7 toàn quốc với 51,7 điểm, tăng 3,5 điểm nhưng giảm 1 bậc so với năm trước. Năm nay, Đồng Nai nằm trong tốp những địa phương đạt chỉ số cao từ 50/100 điểm trở lên, xếp sau các địa phương như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Trong đó, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu với chỉ số thương mại điện tử lần lượt là 86,8 điểm và 84,3 điểm, bỏ khá xa so với địa phương đứng thứ 3 là Hải Phòng với
59,6 điểm.
Ở tiêu chí thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, Đồng Nai xếp thứ 7 đứng sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng. Đây là tiêu chí đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thương mại điện tử, phản ánh sát nhất những thay đổi về thói quen, hành vi và nhận thức của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số.
Theo đó, tiêu chí này được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu thành phần như: xây dựng website doanh nghiệp, tần suất cập nhật thông tin trên website, ứng dụng bán hàng qua mạng xã hội, mức độ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, tình hình nhận đơn hàng, doanh thu từ kênh trực tuyến...
(Nguồn: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - Đồ họa: H.Quân |
Đối với tiêu chí về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, Đồng Nai xếp hạng 6. Ở tiêu chí nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, Đồng Nai xếp hạng thứ 6. Còn đối với tiêu chí về giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, Đồng Nai xếp thứ 10.
* Cần nâng cao tính cạnh tranh
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang ngày càng mở rộng các kênh, hình thức bán hàng để cạnh tranh, trong đó có hình thức bán hàng qua các kênh thương mại điện tử.
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, mới đây Sở đã phối hợp với Bưu điện Đồng Nai tổ chức Hội nghị đưa sản phẩm đặc sản của Đồng Nai lên sàn giao dịch điện tử postmart.vn cho hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Ngoài ra, có thêm các chương trình hỗ trợ để cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã... trong tỉnh có cơ hội đưa hàng hóa, đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh lên các sàn giao dịch điện tử, mở rộng kênh quảng bá sản phẩm. |
Tuy nhiên, tình hình ứng dụng kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử tiềm ẩn rủi ro nên đa phần các doanh nghiệp chỉ giao dịch và cung cấp các dịch vụ trực tuyến, không thanh toán trực tuyến.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chưa xây dựng website bán hàng. Nhiều cổng thông tin về thương mại điện tử chưa phát huy hết tác dụng, hầu hết các doanh nghiệp có website nhưng chỉ để quảng bá sản phẩm, trong khi hoạt động bán hàng trực tuyến vẫn còn khá nhiều hạn chế...
Anh Nguyễn Trịnh Huấn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Sơn Nguyễn chuyên về in ấn, quảng cáo ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho hay, công ty đã xây dựng website riêng được hơn 2 năm nay. Đa phần nội dung, các tính năng của website này được “khoán” cho đơn vị nhận lập trình phát triển website tiến hành. Trong thời gian tới, công ty sẽ chú trọng hơn để phát triển các kênh bán hàng qua mạng, cũng như cải thiện thêm nội dung, hình ảnh của website.
Tương tự, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho biết doanh nghiệp đã chủ động xây dựng website quảng bá sản phẩm được gần 10 năm nay, chủ yếu là giới thiệu hình ảnh về sản phẩm, quá trình sản xuất; trung bình có khoảng 1 ngàn lượt truy cập/ngày.
Một trong những khó khăn khi xây dựng trang thông tin quảng bá riêng của doanh nghiệp hiện nay là việc bị một số đơn vị, doanh nghiệp cạnh tranh chưa lành mạnh, làm “nhiễu” thông tin, sử dụng hình ảnh quảng cáo chỉnh sửa quá nhiều hoặc lấy lại những hình ảnh của công ty đạt các tiêu chuẩn về quảng bá trên website của họ dễ gây ra nhầm lẫn, nhập nhèm cho người tiêu dùng khi tham khảo thông tin trên website.
UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển thương mại điện tử hằng năm. Theo đó, mỗi năm Sở Công thương sẽ hỗ trợ xây dựng website bán hằng cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Sở Công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp các kỹ năng, công cụ để doanh nghiệp quản trị tốt nội dung, quảng bá, marketing hiệu quả cho website nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Hải Quân