Nhiều khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai hiện đang gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở cho công nhân, đấu nối thoát nước ngoài hàng rào, giá điện tăng cao...
Nhiều khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai hiện đang gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở cho công nhân, đấu nối thoát nước ngoài hàng rào, giá điện tăng cao...
Khu nhà ở công nhân tại huyện Nhơn Trạch |
Đến nay, Đồng Nai đã có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích trên 10,2 ngàn hécta. Các KCN thu hút gần 1.690 dự án vốn trong nước và ngoài nước. Mỗi năm, các doanh nghiệp đang sản xuất trong KCN đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 600 triệu USD.
* Chậm do bồi thường
Thời gian qua, nhiều công ty hạ tầng xin mở rộng diện tích KCN trên địa bàn đã được tỉnh, Chính phủ chấp nhận. Thế nhưng qua nhiều năm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong nên nhà đầu tư đành phải đợi. Do chờ đợi quá lâu, nhiều cơ hội của nhà đầu tư bị vuột mất, phía tỉnh cũng chịu tổn thất vì dự án chậm tiến độ sẽ mất đi một khoản thu ngân sách không nhỏ.
Các KCN của Đồng Nai hiện tập trung ở TP.Biên Hòa, các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Đây cũng là những địa phương đang có nhu cầu về nhà ở công nhân rất lớn. |
Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa (chủ đầu tư hạ tầng KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho biết: “Diện tích toàn KCN Amata là 513 hécta, nhưng vẫn còn 26 hécta đang vướng công tác bồi thường, giải tỏa nhiều năm chưa xong. Do không có đất sạch nên công ty không thể làm đường kết nối, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa”.
Nguyên nhân dẫn đến khâu giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu là do người dân chưa thống nhất với mức giá bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng còn quá thấp so với giá sang nhượng trên thị trường. Đây chính là “nút thắt” ở nhiều dự án, không riêng các dự án làm hạ tầng KCN.
Ông Thái Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom) - đơn vị đầu tư hạ tầng cho hay: “Do chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong nên hơn 10 năm nay công ty chưa hoàn thành được hạ tầng của KCN giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Nhiều doanh nghiệp dự tính thuê đất mở nhà máy sản xuất không đợi được, đã chọn nơi khác để đầu tư khiến công ty mất đi nhiều cơ hội”. Hiện diện tích cần thu hồi của KCN Hố Nai là hơn 100 hécta, trong đó có những khu đất đã thu hồi được nhưng theo kiểu “da beo” cũng không thể thực hiện được. KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), KCN Tam Phước (TP.Biên Hòa)... cũng đang vướng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận xét, giải phóng mặt bằng quá chậm, giá đất lên cao thì khi thu hồi càng khó khăn. Nhà đầu tư thấy bỏ tiền ra thu hồi đất làm hạ tầng cho thuê không có lời sẽ không còn mặn mà. Như vậy, KCN hạ tầng dở dang, cả doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và tỉnh đều thiệt.
* Thủ tục đất đai rườm rà
Đồng Nai hiện có hơn 576 ngàn lao động đang làm việc trong các KCN và nhu cầu về nhà ở rất lớn. Có những công ty hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp có sẵn đất thuê, đề nghị làm nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, thủ tục về đất đai rất rườm rà, nhiều doanh nghiệp khi đưa hồ sơ đi làm dự án đã từ bỏ ý định. Rào cản về thủ tục đất đai phức tạp, tốn kém thời gian, chi phí đi lại đã khiến một số doanh nghiệp muốn làm nhà ở cho công nhân nản chí.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cần tổng hợp tất cả những khó khăn của công ty hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp để gỡ khó cho doanh nghiệp. Nếu thẩm quyền thuộc Trung ương, tỉnh sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung. |
Ông Hà Quan Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D)- nhà đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty có 8 ngàn m2 đất trong KCN rất thuận lợi để làm nhà ở công nhân, nhưng theo quy định muốn thực hiện dự án phải làm thủ tục xin Chính phủ cho tách khu đất trên ra khỏi KCN. Thủ tục tách thửa đất rất phức tạp và mất nhiều thời gian đi lại nên công ty tạm dừng, đợi chính sách thông thoáng hơn sẽ triển khai”.
Tương tự, nhiều KCN khác như: Amata, Hố Nai, Tam Phước... đang trong quá trình thực hiện hồ sơ về dự án nhà ở công nhân. Trong đó, có công ty hạ tầng đề nghị được đầu tư dự án nhà ở công nhân, cũng có doanh nghiệp xin giao lại diện tích phải dành làm nhà ở công nhân để địa phương kêu gọi đơn vị đầu tư khác. Thực tế, các doanh nghiệp rất ngại rót vốn vào các dự án nhà ở công nhân vì vốn đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, thủ tục phức tạp.
Giám đốc một công ty xây dựng tại TP.Biên Hòa chia sẻ, trước đây ông cũng dự tính thực hiện dự án nhà ở công nhân, nhưng tìm hiểu kỹ thấy thủ tục rườm rà hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại nên đã xin rút, chuyển sang đầu tư dự án nhà ở thương mại để nhanh thu hồi vốn, giá bán lại không bị giới hạn.
Chính vì thủ tục đất đai khó khăn nên việc thu hút đầu tư dự án nhà ở công nhân rất chậm, doanh nghiệp không mặn mà. Nhiều doanh nghiệp góp ý thẳng, muốn giải quyết được những vướng mắc trên thì thủ tục về đất đai phải đơn giản hóa từ nhiều cấp.
Hương Giang