Giá xăng, gas tăng, hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa nắng nóng khiến cho chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, chi phí sản xuất, mặt bằng giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả... cũng bị tác động theo.
Từ đầu năm 2019, xăng dầu đã có 4 lần tăng giá, giá gas bán lẻ cũng tăng 5 lần liên tục. Ngoài ra, hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa nắng nóng khiến cho chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, chi phí sản xuất, mặt bằng giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả... cũng bị tác động theo.
Giá điện, xăng, gas tăng cao khiến cho giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả… tại các chợ tăng theo. Trong ảnh: Một sạp rau, củ, quả tại chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) Ảnh: H.Quân |
[links()]Khi giá điện, xăng dầu, gas đồng loạt tăng đã tác động không nhỏ đến mặt bằng giá cả các mặt hàng thiết yếu, đời sống sinh hoạt, tiêu dùng của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã…
* Tác động tới CPI, chi phí sinh hoạt
Chỉ tính từ đầu tháng 4, xăng dầu đã tăng trong 3 kỳ điều chỉnh liên tiếp trước khi giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh gần nhất vào giữa tháng 5. Hiện giá xăng E5 RON92 có giá tối đa là 20.488 đồng/lít, xăng RON95 là 21.599 đồng/lít; dầu diesel là 17.614 đồng/lít; dầu hỏa có giá 16.422 đồng/lít và dầu mazut là 15.536 đồng/kg. Như vậy, giá các loại xăng dầu hiện đã tăng khoảng từ 16-26% so với thời điểm đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, giá gas đã tăng 5 lần với tổng mức tăng là 42 ngàn đồng/bình 12kg. Hiện giá gas bán lẻ trên thị trường vào khoảng 358 ngàn đồng/bình 12kg.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh vào tháng 4-2019 tăng 0,08% so với tháng 3-2019, tăng 1,73% so với cuối năm 2018. Ông Trần Xuân Hà, Phó cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, hiện chưa công bố chỉ số CPI trong tháng 5 nhưng với việc giá xăng dầu, điện biến động trong thời gian qua đã tác động vào chỉ số CPI của tỉnh cũng như kéo theo giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác biến động tăng, bởi giá xăng dầu thuộc nhóm chỉ số giá của nhóm giao thông, giá điện thuộc nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng.
Khi giá xăng dầu, điện, gas tăng mạnh trong thời gian qua, những hộ gia đình, công nhân, người lao động, sinh viên ở các khu nhà trọ là những đối tượng chịu nhiều tác động. Anh Quốc Toàn, một công nhân đang thuê trọ ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa chia sẻ: “Giá điện, gas và xăng dầu đồng loạt tăng mạnh thời gian qua khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng theo. Chỉ tính riêng hóa đơn tiền điện tháng rồi của gia đình tôi đã tăng hơn 400 ngàn đồng, gần gấp đôi tháng trước. Do đó, việc cân đối với nguồn thu nhập, chi tiêu của gia đình sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là khi vợ chồng tôi còn có con nhỏ”.
* Mặt bằng giá cả biến động theo
Hiện tại, hầu hết siêu thị, trung tâm thương mại vẫn đang chạy các chương trình về bình ổn giá, triển khai các hợp đồng cung ứng, vận chuyển đã ký kết nên chưa chịu tác động quá nhiều khi giá điện, xăng dầu tăng đồng loạt, cũng như vẫn giữ được giá bán một số mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, ở các chợ, giá cả các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh đã tăng mạnh trong gần 1 tháng nay.
Bảng so sánh mức tiền điện (gồm cả thuế giá trị gia tăng) mà khách hàng trả trong tháng ứng với các mức tiêu thụ điện từ 100-1.000kWh trước và sau khi áp dụng giá điện mới từ ngày 20-3. (Nguồn: Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ ở TP.Biên Hòa, giá cả nhiều mặt hàng thịt cá, rau, củ, quả tăng từ 10-40% so với trước khi giá điện, xăng tăng. Nhiều chủ sạp hàng cho biết lượng hàng tiêu thụ chậm hơn nhiều so với trước.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ một sạp rau, củ, quả ở chợ Biên Hòa chia sẻ, hiện nay thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa nên thường giá rau sẽ tăng vào dịp này kết hợp với giá điện, giá xăng dầu tăng khiến cho giá rau đã tăng lại càng tăng thêm.
Đơn cử, giá cà chua hiện ở mức 20 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng so với cách đây vài tuần; khổ qua, dưa leo có giá 20 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 4 ngàn đồng; các loại rau ăn lá như: mùng tơi, cải xanh, xà lách cũng tăng từ 5-10 ngàn đồng/kg…
Còn bà Hoàng Nhi, một tiểu thương bán cá ở chợ Tân Hiệp
(TP.Biên Hòa) cho hay, giá các loại cá diêu hồng, cá lóc tăng từ 5-8 ngàn đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng, hiện vào khoảng 55-70 ngàn đồng/kg; cá kèo tăng giá gần như gấp đôi với giá khoảng 150 ngàn đồng/kg…
Giá điện, xăng cùng tăng liên tiếp khiến cho nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như: thịt, cá, rau xanh ở các chợ bị tác động theo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của người dân lại có xu hướng giảm vì còn phải thắt chặt chi tiêu hằng ngày.
“Lượng cá tiêu thụ giảm khoảng 30-40% buộc tôi phải giảm lượng hàng nhập về gần một nửa so với trước đây. Tình trạng ế ẩm thường xuyên diễn ra khi người mua ngày càng thắt chặt chi tiêu, mua với số lượng ít hơn trước rất nhiều” - bà Hoàng Nhi chia sẻ.
Tương tự, tại nhiều chợ khác trên địa bàn tỉnh như: chợ Long Khánh, chợ Long Thành, chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú)…, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, rau xanh cũng tăng trong thời gian gần đây.
Ông Huỳnh Kim Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC) ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa cho biết, hiện giá bán nhiều loại đá xây dựng của công ty tăng lên từ 2-5% do chi phí về vận tải, xăng dầu và giá điện tăng trong thời gian qua. Công ty sẽ có hướng điều chỉnh giá phù hợp với những biến động của thị trường cũng như hài hòa với nhu cầu tiêu thụ, nhất là vào mùa mưa sắp tới. “Vào những tháng cao điểm mùa khô, chi phí sản xuất thường tăng lên. Hơn nữa, khi giá điện, giá xăng tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của công ty” - ông Huỳnh Kim Vũ nhấn mạnh.
Theo ghi nhận tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở TP.Biên Hòa thì giá thành sản phẩm này vẫn chưa có nhiều biến động do các cửa hàng, công ty vẫn đang cố gắng cân đối, bù lỗ những chi phi phát sinh thêm về vận chuyển, vận hành do giá xăng dầu, điện tăng trong thời gian gần đây.
* Sản xuất cũng chịu ảnh hưởng
Giá điện, nhiên liệu tăng trong thời gian qua khiến cho hoạt động sản xuất, dịch vụ chịu nhiều tác động, đẩy giá chi phí đầu vào, chi phí vận hành tăng. Không ít doanh nghiệp chấp nhận bù lỗ để đảm bảo sản xuất, giữ giá đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ - vận tải Thống Nhất (huyện Trảng Bom) kinh doanh loại hình xe buýt, xe đưa rước công nhân cho biết khoảng hơn 1 tháng nay chi phí nhiên liệu tăng so với đầu năm nên hợp tác xã đã phải bù lỗ 22% cho chi phí vận hành trong hoạt động kinh doanh của hợp tác xã.
Theo một công ty sản xuất giày xuất khẩu ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa, tiền điện để vận hành nhà xưởng của công ty vào khoảng 16 tỷ đồng/tháng. Với mức điều chỉnh tăng giá điện mới, chi phí này của công ty tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) cho biết ở giai đoạn nắng nóng, việc trổ bông, đậu trái của các loại cây chôm chôm, sầu riêng gặp nhiều rủi ro, do đó lượng nước tưới cần phải được đảm bảo thường xuyên cho cây. Theo tính toán, chi phí về tưới tiêu của hợp tác xã đã tăng gần gấp đôi cho mỗi hécta khi xăng dầu, điện tăng giá.
Lam Phương