Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ cá chết trên sông La Ngà: Người nuôi cá bè kiệt quệ

09:05, 22/05/2019

Tối 15 đến rạng sáng 16-5, cá tại các lồng bè của cả trăm hộ nuôi trên sông La Ngà (huyện Định Quán) xuất hiện dấu hiệu lạ rồi nhanh chóng nổi đầu, ngửa bụng và sau đó chết hàng loạt.

Tối 15 đến rạng sáng 16-5, cá tại các lồng bè của cả trăm hộ nuôi trên sông La Ngà (huyện Định Quán) xuất hiện dấu hiệu lạ rồi nhanh chóng nổi đầu, ngửa bụng và sau đó chết hàng loạt.

Người nhà của hộ nuôi cá bè Đặng Thành Vũ (xã Phú Ngọc) đang dọn nốt những con cá chết còn sót lại trên bè
Người nhà của hộ nuôi cá bè Đặng Thành Vũ (xã Phú Ngọc) đang dọn nốt những con cá chết còn sót lại trên bè

Theo thống kê vào ngày 19-5 của UBND huyện Định Quán, tổng sản lượng cá chết tại các bè cá trên sông La Ngà đã lên đến gần 1 ngàn tấn với 81 hộ bị thiệt hại. 

* Kiệt quệ vì nợ chồng nợ

Sau vài ngày xảy ra vụ cá chết trên sông La Ngà, mọi hoạt động của khu làng bè lặng lẽ, đình trệ hẳn với những khuôn mặt lo âu, mệt mỏi. Các hộ nuôi cá bè hiện đều lâm vào cảnh kiệt quệ vì những món nợ của vụ cá chết cùng kỳ năm ngoái đang chờ vụ thu hoạch năm nay để trả, nay cá lại chết trắng bè, người nuôi lâm vào cảnh “nợ chồng thêm nợ”.

Bà Phạm Thị Linh, một chủ bè cá tại xã Phú Ngọc xót xa nói: “Toàn bộ 25 tấn cá lăng, cá diêu hồng đến kỳ xuất bán của gia đình tôi đều chết trắng chỉ sau 1 tiếng đồng hồ khi luồng nước đục từ trên thượng nguồn tràn xuống. Lượng cá quá lớn nên vợ chồng tôi không kịp vớt bán, đa số bán với giá cá ươn chỉ được vài ngàn đồng/kg. Tôi buộc phải cắt bỏ nhiều vèo cá thả trôi sông vì cá sình không ai mua”. Đợt cá chết này, mức thiệt hại của gia đình bà Linh lớn hơn năm ngoái dù gia đình bà cũng tranh thủ thu hoạch cá sớm nhưng thương lái không kịp mua, hẹn 2 tuần sau mới bắt thì tai họa ập xuống. Vợ chồng bà Linh không còn nghĩ được gì vì nợ nần của vụ cá chết năm ngoái chưa trả hết, đợt này lại chồng thêm nợ.

Ông Võ Văn Dũng, chủ bè cá ở thượng nguồn sông thuộc xã La Ngà nhận xét: “Vụ này tôi chỉ nuôi bằng một nửa năm ngoái, nhưng khi nước đục từ trên bờ tràn xuống do mưa lớn, 2 bè nuôi gần 2 tấn cá lăng đến kỳ thu hoạch của tôi không con nào còn sống. Những hộ nuôi còn lại cũng không ai tránh khỏi được tai họa”.

Phát hiện cá chết bất thường, các hộ nuôi cá đã thực hiện nhiều biện pháp như: mở máy sục khí oxy cắt thả lồng bè trôi về phía hạ nguồn cầu La Ngà… nhưng vẫn không thể cứu vãn được các bè cá.

Ông Đặng Thành Vũ, chủ bè cá tại xã Phú Ngọc cho rằng năm nay nguồn nước mưa từ trên bờ tràn xuống sông ô nhiễm hơn. “Năm ngoái, bè của gia đình tôi ở cuối nguồn nước nên không bị thiệt hại, nhưng năm nay tất cả các bè cá lăng, cá chép, diêu hồng trên khúc sông này không bè nào còn cá sống. Hơn 2 tấn cá lăng, cá diêu hồng của gia đình tôi đều chết sạch. Chỉ một số ít các bè nuôi cá thác lác thoát được vì sức chống chịu của giống cá này tốt hơn” - ông Vũ cho biết.

Theo thống kê, xã La Ngà có 40 hộ với 165 vèo (nuôi cá lăng), 17 bè cá bị thiệt hại với tổng sản lượng gần 428 tấn cá; xã Phú Ngọc có 41 hộ với 143 vèo, 9 bè cá bị thiệt hại với khoảng 548,5 tấn cá. Cá chết chủ yếu là cá chép, cá lăng, cá diêu hồng, cá mè... Trong đó đa số là cá lớn gần đến kỳ thu hoạch nên mức thiệt hại càng cao.

Theo các hộ nuôi cá trên sông La Ngà, cá chết vớt bán khi còn tươi mới có giá từ 15-40 ngàn đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá cá thu hoạch bán cho thương lái thường từ 80-100 ngàn đồng/kg. Nhưng đa số hộ chỉ bán giá vài ngàn đồng/kg do cá ươn hoặc cắt vèo thả cá trôi sông vì không kịp thu hoạch, cá sình, thối không có người mua. Sinh hoạt của người dân ở khu làng bè càng thêm khó khăn khi nguồn nước sông càng ô nhiễm do xác cá khiến nước nổi váng mỡ, bốc mùi hôi. Người dân phải mua, mang nước từ trên bờ xuống bè sử dụng.

* Biến động bất lợi về môi trường

Cùng kỳ năm 2018, làng cá bè La Ngà đã có 131 hộ với 550 lồng, bè, 1.992,5 tấn cá chết. UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí trên 12 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Theo báo cáo của UBND huyện Định Quán tính đến tháng 4-2019, toàn huyện có 300 hộ nuôi với 393 bè, 2.109 lồng nuôi với thể tích gần 575 ngàn m3.

Trong đó, mật độ tập trung dày nhất là ở xã Phú Ngọc với 202 hộ, 251 lồng và 1.724 vèo nuôi trên 23 triệu con. Xã La Ngà có 54 hộ nuôi với 94 lồng, 340 vèo nuôi trên 5,2 triệu con. Còn lại khoảng 44 hộ nuôi rải rác tại các xã Ngọc Định, Phú Cường, Thanh Sơn đều không xảy ra tình trạng cá chết.

Nguyên nhân cá chết là do mưa lớn kéo dài khiến một lượng lớn nước cuốn theo rác thải, các chất ô nhiễm từ mặt đất đổ về sông La Ngà làm tăng tính độc của một số khí như: NH3, H2S, CH4, NO2... dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt. Vì đa số các bè cá chết đều tập trung ở khu vực thượng nguồn,  nơi nguồn nước từ suối Tam Bung đổ về.

Kết quả kiểm tra tại chỗ ở các điểm cho thấy hàm lượng oxy hòa tan đều thấp (dao động từ 2,6-3,2mg/l) trong khi hàm lượng tối ưu khuyến cao để nuôi cá là từ 4mg/l trở lên. Hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi từ 5,6-11 lần, NO2 vượt mức cho phép từ 10-20 lần. Kết quả phân tích của 7 mẫu cá và 7 mẫu nước tại khu vực này vào thời điểm đó cũng chỉ rõ nguyên nhân cá chết không phải do dịch bệnh mà do biến động bất lợi về môi trường. Nước mưa cuốn trôi tất cả các vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực làm môi trường thay đổi đột ngột, cộng với ô nhiễm hữu cơ dẫn đến hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp gây hiện tượng cá chết hàng loạt.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Định Quán, các bè nuôi trên sông La Ngà thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết vào dịp giao mùa khi kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa. Đây là thời điểm nước sông cạn, khi có mưa lớn làm nước từ đất liền chảy xuống, số bè nuôi dày làm lượng oxy trong nước tụt giảm dẫn đến tình trạng cá chết như đã xảy ra vào đầu mùa mưa năm 2018.

* Địa phương đã vận động di dời từ trước

Dự báo trước rủi ro cá chết vào giai đoạn chuyển mùa, từ hơn 1 tháng trước, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - đơn vị quản lý mặt nước ở sông La Ngà cùng UBND huyện Định Quán và các đơn vị liên quan đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động các bè cá ở khu vực này di dời tránh tai họa.

Nhiều lồng bè ở làng cá bè La Ngà hiện đã bỏ trống sau khi bán tháo hàng tấn cá chết đêm 15-5 vừa qua
Nhiều lồng bè ở làng cá bè La Ngà hiện đã bỏ trống sau khi bán tháo hàng tấn cá chết đêm 15-5 vừa qua

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, có khoảng 1/3 số lượng bè cá ở sông La Ngà đã di dời lên khu vực sông thuộc xã Thanh Sơn. Tình hình cá nuôi của các bè cá đã di dời vẫn tốt. Các hộ còn lại vì nhiều lý do đã không di dời và có ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Như vậy, sự cố cá chết trên sông La Ngà có thể chủ động phòng tránh được nếu người dân thực hiện các khuyến cáo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Ngay sau khi xảy ra sự cố cá chết, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã phối hợp với huyện khảo sát, lấy mẫu nước, cá chết đưa đi xét nghiệm phân tích nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết. Địa phương đang tiếp tục thống kê về thiệt hại và số lượng cá chết. UBND huyện cũng đã có văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường và các đơn vị liên quan tích cực điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân cá chết”.

Trong thời điểm này, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến cáo các hộ nuôi cá bè còn lại khẩn trương bán các loại cá nuôi trong lồng, bè đã đến kỳ thu hoạch; di dời các lồng bè nuôi cá xuống vùng nước sâu hơn; tránh nơi nước từ trên bờ đổ trực tiếp xuống sông bị ô nhiễm. Ngoài ra, trong thời gian giao mùa, các hộ dân không nên tiếp tục thả cá giống.

Bình Nguyên - Hải Quân

Tin xem nhiều