Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) là xã vùng sâu không được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như các vùng đất khác. Tuy nhiên, với đôi tay lao động cần cù, tinh thần ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Chương, nông dân ở ấp 1, xã Xuân Hòa đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.
Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) là xã vùng sâu không được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như các vùng đất khác. Tuy nhiên, với đôi tay lao động cần cù, tinh thần ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Chương, nông dân ở ấp 1, xã Xuân Hòa đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.
Ông Nguyễn Văn Chương giới thiệu vườn xoài bọc trái cho lợi nhuận cao. Ảnh: H.Đình |
* Tiên phong chuyển đổi cây trồng
Xã Xuân Hòa có khoảng 5 ngàn hécta đất nông nghiệp. Nhưng khoảng 10 năm trước, vùng đất này chủ yếu chỉ canh tác cây tràm, cây mì... vì đất đai bạc màu, khó khăn về nguồn nước tưới. Ông Chương kể: “Thời đó, gia đình tôi cũng trồng tràm với lợi nhuận thấp. Sau khi đi tham quan một số mô hình sản xuất hiệu quả, tôi đã quyết định chuyển đổi 8 hécta đất trồng tràm sang trồng các giống xoài Thái và Đài Loan”.
Khu rẫy nhà ông Chương nằm heo hút ở xã vùng sâu, con đường đất gập ghềnh, nhỏ hẹp chỉ đủ rộng để di chuyển bằng xe máy; ông khởi đầu việc chuyển đổi cây trồng với nhiều khó khăn, đồng vốn có hạn, nguồn nước tưới khan hiếm...
Ông Chương là nông dân đi tiên phong của ấp 1 và là một trong số ít nông dân của xã chuyển đổi sang mô hình trồng chuyên canh cây xoài với diện tích lớn. Lý do khiến ông Chương kiên định trong việc chuyển đổi sang trồng cây ăn trái lâu năm khi không mấy ai nghĩ vùng đất cằn cỗi này sẽ cho những mùa trái ngọt là vì: “Dù sở hữu đến 8 hécta đất trồng cây tràm nhưng kinh tế gia đình tôi vẫn khó khăn. Điều đó khiến tôi càng quyết tâm chuyển đổi sản xuất. Tôi chọn trồng xoài vì giống cây trồng này thích nghi tốt với vùng đất bạc màu, khô hạn”. Chính vì vậy, ông Chương bỏ vốn đầu tư giếng khoan, cho lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới nước tự động, bón phân tiết kiệm.
Để tiết kiệm chi phí đầu tư, ông Chương hạn chế thuê công lao động mà bản thân ông cùng vài người con trai trong gia đình tự bỏ công từ khâu xuống giống đến chăm sóc vườn cây.
* Sản xuất trái sạch
Để “đất khó” nuôi được những vườn cây xanh tốt, ông Chương không tiếc công cải tạo đất cằn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Ông không chỉ học để nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây trồng mà còn hiểu rõ cách xử lý để xoài ra hoa trái vụ. Theo đó, vườn xoài của gia đình ông cho thu hoạch 2 vụ/năm, xoài trái vụ thường đạt giá cao, thu hoạch rải vụ cũng giảm rủi ro hơn về thị trường tiêu thụ.
Từ nhiều năm trước, ông Chương đã áp dụng các phương pháp trồng xoài sạch để có thể bán được với giá cao hơn. Cả vườn cây đều được ông cho bọc trái để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trồng xoài sạch theo kỹ thuật này vừa tiết kiệm được chi phí phun xịt thuốc, đồng thời tránh gây hại cho sức khỏe nông dân làm vườn. Xoài trái to, đều đạt tỷ lệ cao, lượng trái bị sâu, rầy làm hư hao thấp nên năng suất đạt cao. Giá xoài đẹp, xoài sạch bán ra cũng luôn cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.
Ông Chương so sánh: “Vườn xoài của gia đình tôi mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, năng suất đạt từ 10-15 tấn/hécta, không thua kém các vùng xoài lân cận. Thương lái vô mua, thấy xoài của tôi có bao bọc cẩn thận thì họ mê lắm, lúc nào cũng giành mua với giá cao”.
Hải Đình