Trong 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình ủng hộ hàng trong nước, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng...
Trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình ủng hộ hàng trong nước, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, cũng như tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp địa phương tập trung sản xuất, phát triển thương hiệu.
Khách hàng chọn mua sản phẩm bánh quy của Việt Nam tại một điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Ảnh: Hải Quân |
[links()]Mặc dù vậy, trong bối cảnh thị trường ngày càng hội nhập, thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, việc không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng là chìa khóa then chốt để hàng Việt xây dựng chỗ đứng vững chắc “trong mắt” người tiêu dùng.
Người tiêu dùng quan tâm hàng Việt hơn
Theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) trong năm 2018, ở thành thị có gần 63% số người được hỏi trả lời quan tâm đến sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất và hơn 33% người quan tâm có mức độ đối với sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc nội địa. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn có 57% số người được hỏi trả lời quan tâm đến sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 264 tỉnh cho biết, thông qua các cuộc khảo sát hằng năm, đa số ý kiến của người dân bày tỏ rất quan tâm đến cuộc vận động. Người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn rất quan tâm tới sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Các nhóm sản phẩm, hàng hóa Việt được ưa chuộng hơn trước như: các sản phẩm đồ gia dụng; nhóm hàng thực phẩm, rau, quả; các sản phẩm dệt may… Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hàng Việt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, ở các phiên chợ, điểm bán hàng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đều trong những năm qua.
Một gian hàng trưng bày các sản phẩm cà phê Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa Ảnh: H.QUÂN |
Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, hiện nay các mặt hàng, sản phẩm Việt chiếm hơn 90% trên các gian hàng của Co.opmart Biên Hòa. Trong những năm qua, hàng Việt rất phát triển về mẫu mã, chất lượng, giá cả, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo, sữa... Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm, tin tưởng vào hàng Việt.
Ông Trương Văn Hiền, chủ một sạp bán ba lô, túi xách tại chợ Long Khánh (TX.Long Khánh) cho biết: “Tôi kinh doanh các dòng sản phẩm này đã hơn 20 năm nay. Nếu như hơn 10 năm trước ba lô, túi xách có nguồn gốc Trung Quốc rất nhiều thì hiện nay, các sản phẩm cùng loại trong nước ngày càng hút khách bởi thiết kế ngày càng thời trang, đa dạng hơn và giá thành cạnh tranh”.
Đại diện cửa hàng bách hóa Hạnh Kiều, một điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” ở xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ cho hay, cửa hàng nằm gần nông trường cao su, xu hướng mua sắm hàng Việt, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm của người dân, công nhân ở đây khá cao kể từ khi mở điểm bán hàng Việt.
Trước những biến động của thị trường cũng như tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn khó kiểm soát, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới chất lượng thông tin, nguồn gốc và độ an toàn của sản phẩm. Sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã chú trọng hơn đến vấn đề này.
Chị Mỹ Trinh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện nay, các loại nước giải khát, sữa, bánh kẹo Việt ngày càng có mẫu mã đẹp, thêm nhiều loại hương vị mới, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao hơn trước đây. Đơn cử như các nhãn hiệu Việt như: Kinh Đô, Bibica, Vinamilk, Lothamilk, Tân Hiệp Phát… thường xuyên tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm mới”.
Tương tự, các nhãn hàng thời trang “made in Vietnam” như: Việt Tiến, An Phước, Phong Phú, Owen, Biti’s, Bita’s, Ivy, Elise, Juno, Vascara… cũng ngày càng phát triển mạng lưới bán lẻ, được người tiêu dùng ưu chuộng, tin dùng.
* Vẫn cần “làm mới”
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, tính an toàn sản phẩm, nhiều mặt hàng Việt đã có những thay đổi, “làm mới” mình đáng kể về mẫu mã, bao bì… trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập trên thị trường.
Nhiều người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm, hàng hóa Việt cần có thêm nhiều thay đổi phù hợp về bao bì, mẫu mã, nâng cao tính tiện ích, thân thiện với môi trường... Từ đó, góp phần giúp cho họ có thêm những thiện cảm, ưu tiên sử dụng các sản phẩm, mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Bà Ngô Thị Thanh (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, so với sữa ngoại, những năm gần đây sữa Việt đã có nhiều cải tiến đáng kể về chất lượng, bao bì sản phẩm, cũng như các chiến lược, chương trình quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, bao bì một số loại sữa Việt vẫn chưa thực sự tốt như sữa ngoại.
Đơn cử như nắp hộp sữa bột hơi khó mở và mỏng hơn so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Một số sản phẩm có chốt khóa mở khá giòn, dễ gãy. Ngoài ra, thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng của một số sản phẩm sữa Việt hơi khó nhìn.
Quan sát một số gian hàng ở những chợ truyền thống, các đại lý, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối sữa, bánh, kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng khác trên địa bàn tỉnh có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia như: Unilever, P&G, Nestlé, Abbott, Dutch Lady... hoặc một số thương hiệu Việt lớn, nổi tiếng như: Vinamilk, Masan, Bibica, Kinh Đô... ở các gian hàng “mặt tiền”, dễ nhìn chứ không có nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất quy mô trung bình và nhỏ.
Bà Thùy Dương (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) chia sẻ, tại nhiều cửa hàng tạp hóa, các sản phẩm thuần Việt còn nằm ở vị trí khuất, khó nhìn thấy. Hơn nữa, cách bố trí, sắp xếp các mặt hàng Việt khá lộn xộn. Nhiều loại hàng hóa mỹ phẩm đặt lẫn với thực phẩm gây mất thiện cảm, cũng như khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi lựa chọn sản phẩm. Màu sắc bao bì một số sản phẩm như bánh, kẹo, đặc sản địa phương còn sơ sài, chưa thực sự bắt mắt, nổi bật…
Nâng tầm thương hiệu địa phương
Theo Ban Chỉ đạo 264 tỉnh, trong 10 năm qua, cuộc vận động đã tạo sự đồng thuận xã hội, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hưởng ứng trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2019 tăng 55% so với giai đoạn 2009-2014.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết, cuộc vận động không những góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, mà còn giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý. Từ đó, chú trọng sản xuất các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Một số kết quả tiêu biểu trong 10 năm (2009-2019) thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Đồng Nai. (Nguồn: Ban Chỉ đạo 264 tỉnh - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, các cuộc khảo sát, bình chọn của cuộc vận động đã góp phần trở thành “cầu nối”, nâng cao tính tương tác giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, vừa là bước đệm để các doanh nghiệp trên địa bàn phấn đấu, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng thương hiệu gắn với mức độ tin cậy, hài lòng của người tiêu dùng trong tỉnh.
Đầu năm 2019, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã công bố và trao chứng nhận cho 542 doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC năm 2019.
Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 28 doanh nghiệp đạt danh hiệu này. Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC ở mức khá cao, ổn định trong những năm gần đây.
Các doanh nghiệp ở Đồng Nai đạt danh hiệu lần này hầu hết đã có “truyền thống” trong những năm vừa qua như: Công ty cổ phần Bibica, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa, Công ty cổ phần Lothamilk, Công ty TNHH một thành viên động cơ - máy nông nghiệp Miền Nam, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, Công ty TNHH Nam Long...
Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lothamilk chia sẻ, nhiều năm qua, công ty liên tục nằm trong danh sách doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận HVNCLC. Hưởng ứng các phong trào của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công ty luôn chú trọng vào chất lượng của sản phẩm đến tay người tiêu dùng, từ đó chủ động đổi mới công nghệ, tung ra nhiều dòng sản phẩm mới, đa dạng khẩu vị, hình thức sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…
Hải Quân