Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh thường quân vượt khó làm giàu

08:02, 24/02/2019

Không chỉ là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Vũ Hợi (ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) còn là mạnh thường quân luôn sẵn lòng giúp đỡ những hộ khó khăn về vốn, và hướng dẫn khoa học - kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Ông cũng đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Không chỉ là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Vũ Hợi (ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) còn là mạnh thường quân luôn sẵn lòng giúp đỡ những hộ khó khăn về vốn, và hướng dẫn khoa học - kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Ông cũng đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Nguyễn Vũ Hợi (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) giới thiệu vườn bơ đặc sản cho thu nhập cao
Ông Nguyễn Vũ Hợi (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) giới thiệu vườn bơ đặc sản cho thu nhập cao

Năm 2018, ông Hợi được công nhận 5 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản suất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

* Đi lên từ nghèo khó

Ông Hợi kể: “Vì nhà nghèo, anh em đông nên 17 tuổi, tôi đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm rẫy, nuôi heo, lo cho các em. Khi lập gia đình, vợ chồng tôi ra riêng với 2 bàn tay trắng, ai thuê gì làm nấy, phải tích góp từng đồng tiền vốn rồi vay mượn thêm của người thân và ngân hàng khi lập trại nuôi heo”.

Từ 10 con heo đầu tiên, nhờ tính chịu khó và luôn tìm tòi học hỏi những kiến thức mới về chăn nuôi, ông Hợi dần gầy dựng được trại chăn nuôi với 70 heo nái và trên 300 heo thịt. Chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi trong năm 2018, ông thu về cả tỷ đồng sau khi trừ các chi phí đầu tư.

Ông Hợi cho hay: “Muốn vượt qua nghèo đói vươn lên làm giàu, điều quan trọng nhất là phải cần cù chịu khó, không ngừng học hỏi kiến thức mới về kỹ thuật sản xuất tích lũy thêm kinh nghiệm từ thực tế và biết nắm bắt thời cơ. Khi chăn nuôi có lãi, tôi mua thêm đất trồng cây ăn trái”.

Hiện ông Hợi có vườn cây gần 3 hécta trồng bơ cao sản Thái Lan và chuối bơm. Nhờ mô hình chăn nuôi - trồng trọt bổ trợ cho nhau giúp mang lại lợi nhuận cao trong khi chi phí đầu tư lại giảm. Tổng thu nhập hằng năm của ông Hợi đạt hơn 2 tỷ đồng.

* Giúp nhau làm giàu

Theo ông Hợi, chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tồn tại và cạnh tranh được trong giai đoạn hội nhập phải vào chuỗi liên kết, sản xuất an toàn. Ông đã tích cực tham gia khi dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) được triển khai. Ông là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi VietGAHP xã Gia Tân 1. “Để các thành viên trong tổ được mua cám với giá ưu đãi, tôi đã chủ động ký hợp đồng với công ty sản xuất thức ăn gia súc để hạ chi phí đầu vào. Tôi không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức với các hộ chăn nuôi khác. Tổ hợp tác thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chung để hướng dẫn cho các tổ viên về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh” - ông Hợi nói.

Ông Hợi cũng rất quan tâm áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn cho vườn cây ăn trái của gia đình. Nhờ đó, trái cây trong vườn được thị trường ưa chuộng. Trong đó, đặc sản trái bơ sáp giống Thái Lan do ông trồng luôn bán được giá cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường.

Ông Hợi tâm sự: “Tôi từng trải qua hoàn cảnh nghèo khó nên khi có chút của để dành luôn sẵn lòng hỗ trợ giúp những hộ nghèo vượt qua khó khăn”. Ngoài việc sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn, sản xuất, ông Hợi còn tích cực đóng góp xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo trong xã. Là người có uy tín tại địa phương, ông đã tích cực vận động từ nguồn xã hội hóa hàng tỷ đồng để xây dựng tuyến đường nội đồng Suối Cạn dài 2,4km; đầu tư hạ thế đường điện ở tuyến đường này. Ông Nguyễn Vũ Hợi là tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cũng như trong đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Bình Yên

Tin xem nhiều