Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến sản xuất nông nghiệp lớn

02:02, 23/02/2019

Đầu tư sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang là hướng đi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đất đai được cho là khâu đầu tiên tạo sự đột phá để phát triển sản xuất lớn.

Đầu tư sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang là hướng đi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, đất đai được cho là khâu đầu tiên tạo sự đột phá để phát triển sản xuất lớn.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành. Ảnh: TL
Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Long Thành. Ảnh: TL

Tuy nhiên, thủ tục hành chính về đất đai vẫn bị đánh giá là “phiền hà” nhất trong các loại thủ tục và đang là rào cản lớn.

* Thời gian, thủ tục rườm rà

UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nên bổ sung đối tượng là vật nuôi, thủy sản vào danh mục được hỗ trợ khi xây dựng chính sách mới về hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (thay thế Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2013).

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), khó khăn chủ yếu hiện nay khi họ muốn đầu tư sản xuất lớn là về đất đai gồm: khó tìm được quỹ đất lớn và sạch để đưa vào sản xuất; quy định về hạn điền; giá đất nông nghiệp quá cao; thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp; nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp vẫn chưa đi vào thực tế...

Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) nhận xét, các thủ tục đầu tư một dự án chăn nuôi hiện nay nhiều gấp 3 lần so với 5-7 năm trước đó. Vốn đầu tư cũng đội lên rất nhiều vì giá đất nông nghiệp tăng phi mã cùng nhiều chi phí khác trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến lập bản đồ chi tiết…

 Những DN đầu tư quy mô càng lớn thì càng gặp khó khăn. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An (tỉnh Long An) đang triển khai dự án xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu chuối già xuất khẩu cho nông dân tại huyện Trảng Bom cho biết: “40 năm đầu tư vào nông nghiệp, tôi đã đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn. Một dự án nông nghiệp nhưng yêu cầu về thủ tục, hồ sơ không thua gì dự án công nghiệp, thậm chí về tiêu chuẩn xử lý môi trường nông nghiệp cũng áp theo chuẩn công nghiệp. Đến nay, hồ sơ, thủ tục về đất đai, về đầu tư dự án nông nghiệp vẫn quá rườm rà, phức tạp là nỗi e ngại lớn nhất với nhà đầu tư”.

Ông Huy dẫn chứng, DN muốn thuê đất làm một nhà kho chứa nông sản ngay tại vùng sản xuất để đúng quy định thì phải bỏ không ít chi phí và thời gian để chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở hoặc kinh doanh với rất nhiều khâu thủ tục. Cũng chính vì gánh nặng thủ tục, hồ sơ quá phức tạp, mất thời gian mà nhà đầu tư chậm chân trong tiếp cận những cơ hội mới. 

Cũng theo ông Huy, hiện ông phải nhờ người thân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi muốn đầu tư những vùng sản xuất rộng hàng trăm hécta vì chính sách hạn điền chưa hết hiệu lực. Và phần diện tích vượt hạn mức trên bị từ chối khi thế chấp vay vốn ngân hàng.

* Khó tìm đất sạch, đất rẻ

Ngoài những khó khăn về thủ tục, nhà đầu tư càng khó tìm được nguồn quỹ đất đạt yêu cầu để làm nông nghiệp sạch. Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Đa số nguồn đất đều bị ô nhiễm do một thời gian dài bị “đầu độc” vì việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi. Tôi đã phải làm đất sạch nhân tạo bằng cách trộn cát trắng và phân hữu cơ vi sinh để trồng các loại rau, quả sạch đạt chuẩn xuất khẩu trong nhà màng”.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc)
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc)

Giá đất tăng mạnh trong thời gian qua cũng là “điểm nghẽn” lớn khi DN muốn đầu tư sản xuất quy mô lớn. Ông Phan Đình Đăng Khoa, chủ trang trại tại huyện Tân Phú chỉ ra khó khăn khác: “Đất nông nghiệp tại Đồng Nai được đánh giá là đứng ở tốp đầu về mức giá so với nhiều tỉnh, thành lân cận. Trong đó, có thực tế là tình trạng “sốt” giá ảo và nhất là thời gian gần đây ngày càng nóng tình trạng đất nông nghiệp ăn theo các dự án công nghiệp và đô thị được phân lô bán nền khiến 1 hécta đất nông nghiệp có nhiều thời điểm bị đẩy lên cao”.

DN muốn thuê đất với diện tích lớn thường phải chấp nhận mức giá cao, trả trước 1 lần; ngay cả quỹ đất của Nhà nước thì cũng phải thuê qua các đơn vị trung gian nên DN không tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương giao đất cho các  nhà đầu tư dự án nông nghiệp nên có sự chọn lọc kỹ để đảm bảo đất giao đó được đưa vào canh tác và sử dụng đúng mục đích để tránh các trường hợp đầu cơ trục lợi. 

* Gian nan tìm lời giải

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đồng Nai đã kiến nghị nên bỏ hoặc tăng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.

TS.Phan Hiếu Hiền, chuyên gia trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam cho rằng: “Cơ giới hóa là để làm với quy mô lớn, thế mà đồng ruộng ở Việt Nam vẫn manh mún với đa số hộ sản xuất nhỏ lẻ. Đẩy mạnh việc “dồn điền đổi thửa” nhằm hướng đến thị trường lớn, đòi hỏi cơ giới hóa để có chất lượng đồng đều, giá thành hạ thì mới có cơ hội cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng như hiện nay”. Theo TS.Hiền, Nhà nước cần bỏ hạn điền, tạo điều kiện cho DN tích tụ ruộng đất theo quy luật thị trường. Trong đó, nông dân bán đất cho DN vẫn được đảm bảo về đời sống khi trở thành công nhân trên cánh đồng, xưởng chế biến do DN đầu tư.

Trang trại trồng thanh long ruột đỏ của ông Bùi Đình Anh tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) là mô hình hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa để có cánh đồng sản xuất lớn. Trang trại thanh long ruột đỏ hơn 40 hécta của ông được hình thành từ sự góp tiền, góp đất của nhiều thành viên. Mọi hoạt động của trang trại do ông quản lý, cuối năm các nhà đầu tư được chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ cổ phần đã góp. Người góp đất, góp tiền cho trang trại cũng có thể thành công nhân làm việc tại đây. Ngoài tiền công lao động, cuối năm người lao động được chia 25-31% trên tổng thu nhập của diện tích vườn được khoán.

Một kiến nghị khác của Đồng Nai là Nhà nước nên bổ sung chính sách để hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp; ban hành đồng bộ chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp để kiểm soát tình trạng đầu cơ, bao chiếm đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Bỏ quy định giới hạn việc chỉ được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn. Xây dựng cơ chế tính giá trị của các thửa đất để tạo thuận lợi và xây dựng căn cứ cho các hộ đổi đất với nhau.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng kiến nghị lên Bộ Kế hoạch - đầu tư sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo điều kiện cho địa phương kêu gọi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

         Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều