Báo Đồng Nai điện tử
En

Các dự án BT sẽ ra sao?

02:02, 25/02/2019

Từ tháng 3-2018, Chính phủ yêu cầu tạm dừng tất cả các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trên cả nước. Thời điểm đó, Đồng Nai có 43 dự án quan trọng của tỉnh...

[links()]Từ tháng 3-2018, Chính phủ yêu cầu tạm dừng tất cả các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trên cả nước. Thời điểm đó, Đồng Nai có 43 dự án quan trọng của tỉnh và địa phương đang triển khai theo hình thức BT, song đành phải tạm dừng để chờ quyết định từ Chính phủ.

Dự án ven sông Đồng Nai chia thành 3 dự án, vốn đầu tư dự tính hơn 4 ngàn tỷ đồng dự kiến làm theo hình thức BT đành phải dừng lại. Ảnh: H.Giang
Dự án ven sông Đồng Nai chia thành 3 dự án, vốn đầu tư dự tính hơn 4 ngàn tỷ đồng dự kiến làm theo hình thức BT đành phải dừng lại. Ảnh: H.Giang

Dự án BT lâu nay được các tỉnh, thành thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Năm 2017, ở một số tỉnh, thành phố “rộ” lên chuyện không minh bạch trong việc đổi đất, quá trình định giá đất quá thấp so với giá thị trường khiến ngân sách nhà nước bị thiệt thòi. Đây cũng chính là lý do Chính phủ yêu cầu ngừng tất cả dự án BT đợi xem xét lại.

* Dừng nhiều dự án trọng điểm

Hợp đồng BT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước.

Dù biết đầu tư các dự án theo hình thức BT không phải lúc nào cũng là phương án toàn vẹn cho quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, song do nguồn vốn ngân sách có hạn, để thực hiện những dự án hạ tầng giao thông lớn nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, nhiều tỉnh, trong đó có Đồng Nai đã chọn đầu tư theo hình thức BT.

Thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) từng được UBND huyện đề xuất làm khá nhiều dự án đường giao thông bằng hình thức BT
Thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) từng được UBND huyện đề xuất làm khá nhiều dự án đường giao thông bằng hình thức BT. Ảnh: H.Giang

Hiện tại, Đồng Nai có những dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa đang triển khai thủ tục để thực hiện theo hình thức này như: dự án đường liên phường Tân Hiệp - Trảng Dài, dự án đường Hương lộ 2 xã An Hòa - Long Hưng, dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến Bến đò Trạm (phường Bửu Long) và từ Bến đò Trạm đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu, dự án đường ven sông Cái từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản...

Những tuyến đường này nếu được đầu tư xây dựng nhanh sẽ tạo lợi thế rất lớn trong phát triển đô thị loại I của Biên Hòa và kinh tế của tỉnh.

* Các địa phương bối rối

TP.Biên Hòa có 9 dự án dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức BT. Trong đó, hầu hết là dự án đường giao thông, mỗi dự án đòi hỏi lượng vốn đầu tư trên dưới 1 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, tuyến đường Tân Hiệp - Trảng Dài có tổng vốn gần 920 tỷ đồng, quỹ đất ước tính phải trả cho nhà đầu tư gần 27 hécta dọc theo 2 bên tuyến đường. Tuyến đường này nếu xây dựng xong sẽ thúc đẩy khu vực các phường Tân Hiệp, Tân Phong, Trảng Dài và những phường lân cận phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, dự án hiện đang dừng lại và cả TP.Biên Hòa lẫn tỉnh đều chưa tìm được nguồn vốn để triển khai tiếp. Hoặc dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến Bến đò Trạm thuộc phường Bửu Long có vốn đầu tư hơn 1 ngàn tỷ đồng cũng từng được đề xuất làm theo hình thức BT. Khu vực này khi được xây dựng sẽ tạo điểm nhấn cho TP.Biên Hòa, đồng thời phát triển khu vực Bửu Long đến 2 xã Bình Hòa, Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).

Tuyến đường Hà Huy Giáp nối với đường Trần Quốc Toản (TP.Biên Hòa) từng được dự kiến làm theo hình thức BT
Tuyến đường Hà Huy Giáp nối với đường Trần Quốc Toản (TP.Biên Hòa) từng được dự kiến làm theo hình thức BT

Tại các huyện, thị xã, những dự án BT phần lớn thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, trường học. Việc ngưng triển khai dự án BT gây khó khăn cho việc tìm vốn để triển khai tiếp các dự án. Huyện Long Thành là nơi đề xuất triển khai 20 dự án BT, nhiều nhất tỉnh và hầu hết là làm đường giao thông, trụ sở làm việc, trường học.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Tốc độ đô thị hóa của huyện nhanh, vốn ngân sách không đủ để triển khai các dự án làm đường nên huyện có đề xuất làm 20 dự án theo hình thức BT và sẽ lấy đất trả cho nhà đầu tư. Nhưng đang tiến hành khâu thủ tục, hồ sơ thì Chính phủ yêu cầu dừng nên cũng rất khó khăn cho nhà đầu tư lẫn địa phương trong việc triển khai các dự án”.

Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay: “Huyện đã chuẩn bị một số quỹ đất để thực hiện dự án theo hình thức BT, nhưng Chính phủ yêu cầu dừng, dự án đành phải đợi chưa biết thực hiện tiếp như thế nào. Những dự án phải dừng là những công trình trọng điểm, nếu hoàn thành sớm sẽ giúp cho huyện phát triển du lịch và dịch vụ tăng thu cho ngân sách.

Tại một số địa phương, có những dự án BT đã triển khai đến giai đoạn cuối song phải ngưng khiến các nhà đầu tư như “ngồi trên lửa”. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho hay: “Huyện có 2 dự án BT đã triển khai đến giai đoạn cuối gần hoàn thành cũng buộc phải dừng lại đợi chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ. Địa phương cũng như doanh nghiệp đang thấp thỏm đợi quyết định để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng”.

Vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp bồn chồn nhất trong gần 1 năm qua là nếu dự án BT không được triển khai tiếp, chuyển sang hình thức đầu tư khác thì mức tính toán bù đắp những chi phí đã bỏ ra như thế nào?

* “Nhấp nhổm” chờ đợi

Không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành trong cả nước đều đang gặp khó khăn trong việc dừng dự án BT trong thời gian dài khiến nhiều dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ vào cuối tháng
12-2018, để triển khai nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2019, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đều đề xuất Chính phủ nhanh chóng có chỉ đạo cụ thể về dự án BT. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ sớm ký quyết định chỉ đạo về đầu tư BT để khơi thông vốn triển khai tiếp các dự án. Nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có chỉ đạo, hướng dẫn khiến nhà đầu tư “nhấp nhổm” vì vốn đổ vào dự án không ít.

Phân bố 43 dự án BT trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng từ tháng 3-2018 đến nay  (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Phân bố 43 dự án BT trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng từ tháng 3-2018 đến nay (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Trần Như Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO cho biết: “Công ty đang triển khai dự án đường ven hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu) theo hình thức BT, nhưng theo quy định buộc phải dừng lại. Hiện chưa có chỉ đạo rõ ràng nên không biết dự án sẽ tiếp tục triển khai theo hướng nào. Công ty cũng rất lo lắng vì vốn đã đầu tư vào dự án không nhỏ”. Những doanh nghiệp khác đang tham gia dự án BT cũng chung nỗi lo như công ty của ông Hoàng. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, năm 2019 mục tiêu của tỉnh vẫn là ưu tiên cho những dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh và vùng. Qua tìm hiểu, hầu hết những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh, địa phương phần lớn đề xuất thực hiện bằng đổi đất lấy hạ tầng. Bởi nguồn ngân sách địa phương, trung ương có hạn, trong khi có rất nhiều dự án trên các lĩnh vực khác cũng cần phải triển khai nhanh để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều