Với những dự án trọng điểm của tỉnh, các địa phương triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) mới triển khai bước đầu là làm hồ sơ, thủ tục, UBND tỉnh dự tính sẽ tìm nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện.
Với những dự án trọng điểm của tỉnh, các địa phương triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) mới triển khai bước đầu là làm hồ sơ, thủ tục, UBND tỉnh dự tính sẽ tìm nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện.
Khu rạp Nam Hà là khu đất vàng của TP.Biên Hòa được đưa ra đấu giá. Ảnh: K.Minh |
Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đều đề xuất tiến hành thực hiện nhanh những dự án trọng điểm để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt là những dự án đường giao thông, nếu không thể thực hiện bằng cách đổi đất lấy hạ tầng thì sẽ dùng vốn ngân sách và những nguồn vốn khác.
Vốn từ đấu giá đất
Nguồn vốn được tỉnh và các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa “nhắm” đến là đấu giá những thửa đất công để lấy vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Do đó, các địa phương đều rà lại quỹ đất công để tiến hành đấu giá.
“Huyện đang tiến hành đấu giá một số thửa đất công có giá trị lớn để lấy vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Ngoài ra, huyện cũng đề xuất UBND tỉnh bố trí thêm nguồn vốn ngân sách để thực hiện những dự án cấp bách” - Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho hay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về kinh tế, việc trông chờ vào đấu giá đất công cũng không phải là giải pháp có thể tháo gỡ hết khó khăn về nguồn vốn. Nguyên nhân là do có những con đường mà vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỷ đồng, trong khi đó dự tính tất cả các thửa đất công Đồng Nai có thể đưa ra đấu giá trong năm 2019, nếu thành công chỉ có thêm khoảng 2 ngàn tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ thực hiện 1-2 công trình trọng điểm lớn.
Liên quan đến vốn cho những dự án trên, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết: “Nếu không thể triển khai tiếp các dự án theo hình thức BT thì tỉnh sẽ tìm các nguồn vốn khác để tiếp tục triển khai các dự án. Trong đó, tùy theo mức độ quan trọng của các dự án để ưu tiên, bố trí nguồn vốn cho phù hợp”.
Đầu tư bằng nhiều nguồn
BT chỉ là một trong 5 hình thức đầu tư của hợp tác công tư-(PPP). Do đó, ngoài nguồn vốn từ đấu giá đất, vốn ngân sách thì UBND tỉnh dự tính sẽ đầu tư các dự án theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chủ yếu đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO còn các hình thức đầu tư khác chưa được thực hiện rộng rãi. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn thì đây là một trong những giải pháp giúp tỉnh sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư cho những công trình trọng điểm về giao thông nhằm tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh và vùng Đông Nam bộ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Các công trình trọng điểm dự tính đầu tư bằng BT buộc phải dừng, tỉnh sẽ chuyển hướng đầu tư. Các địa phương sẽ tập trung khai thác quỹ đất để lấy vốn làm những công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Đồng Nai đang đề xuất Chính phủ cho giữ lại nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp để đầu tư những dự án trọng điểm”. Cũng theo ông Trần Văn Vĩnh, đầu tư theo hình thức BLT đang làm thí điểm chứ chưa thể triển khai rộng rãi được. Tuy nhiên với những dự án trọng điểm, tỉnh sẽ tìm các nguồn vốn để triển khai nhanh chứ không thể dừng lại để chờ đợi.
Khánh Minh