Khoảng 2-3 năm trở lại đây, thương mại điện tử khá phát triển. Xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng tăng nhanh. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp cần nắm bắt, quảng bá thương hiệu....
Khoảng 2-3 năm trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) khá phát triển. Xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng tăng nhanh. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời để quảng bá thương hiệu của mình.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam khuyến khích hành khách đi tàu đặt vé và thanh toán trực tuyến. |
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đã có khoảng 45% doanh nghiệp đạt được doanh thu cao hơn nhờ tham gia TMĐT. Việt Nam có dân số 95 triệu người, trong đó khoảng 52% có kết nối internet và 62% đã từng mua hàng trực tuyến trong năm 2015. Trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng internet chi 160 USD/năm cho TMĐT.
Tăng trưởng nhanh
Theo đánh giá của các chuyên gia về kinh tế, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho phát triển kinh doanh trực tuyến qua TMĐT. Đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam khá cao, lên đến 22%/năm, những người sử dụng internet trước khi muốn mua một sản phẩm nào đó thường vào mạng để tìm hiểu thông tin.
Đây chính là lợi thế để các doanh nghiệp vừa và nhỏ giới thiệu, quảng bá thông tin về sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Sử dụng mạng để giới thiệu sản phẩm, kết nối tư vấn với người tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển và tốn ít chi phí hơn so với quảng cáo truyền thống.
Đại diện của Công ty cổ phần quảng cáo FTC (Hà Nội), cho hay: “Với 49 triệu người sử dụng internet, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 7 châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số người dùng internet, bình quân mỗi người dùng internet 7 giờ/ngày. Do đó, cơ hội mở rộng thương mại quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gia tăng nhờ sử dụng các giải pháp kinh doanh trực tuyến”.
Thông qua TMĐT, các doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu, tiếp cận khách hàng và tăng cơ hội tiếp thị. Việc xây dựng thương hiệu thông qua TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp tăng nhận biết của khách hàng và xây dựng thương hiệu trực tuyến. Thông tin trên mạng được lan truyền một cách nhanh chóng thông qua đăng tải thông tin trực tuyến.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chú ý đến tên miền của thương hiệu trực tuyến phải dễ nhận diện để khách hàng dễ dàng tìm thấy trang chủ trực tuyến của doanh nghiệp vào bất cứ lúc nào, tại bất cứ đâu, với bất kể hiện diện trực tuyến nào. Hiện nay có rất nhiều tên miền mở rộng nhưng .com là tên miền tiêu chuẩn nhất được công nhận cho việc kinh doanh trực tuyến.
Lợi thế tham gia thương mại điện tử
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, TMĐT Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng mạnh, mua bán trực tuyến đang chiếm 2,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Hiện đã có 45% doanh nghiệp có website với 2 tên miền phổ biến là .vn và .com, trong đó có 34% ứng dụng kinh doanh trên mạng xã hội và 13% kinh doanh trên sàn TMĐT. Đồng Nai trong tốp 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về chỉ số TMĐT.
“Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nên doanh nghiệp chú ý đầu tư vào TMĐT để phát triển. Tuy nhiên, khi phát triển TMĐT phải nghiên cứu về thị trường để chọn thời điểm, nơi xuất hiện cho phù hợp. Muốn xây dựng thương hiệu và kinh doanh qua mạng nhanh, hiệu quả, doanh nghiệp nên thuê các chuyên gia tư vấn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực ngành hàng để họ hướng dẫn cụ thể”- ông Dũng nói.
Tại Đồng Nai cũng như cả nước có nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nguồn vốn có hạn không đủ khả năng thuê các chuyên gia có thể thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo về lĩnh vực TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Sở Công thương để được tư vấn miễn phí hoặc hỗ trợ.
Trái với làn sóng phát triển mạnh mẽ của TMĐT, còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ về cơ hội kinh doanh trực tuyến. Trên thực tế chỉ có 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng được website riêng để quảng bá kinh doanh, trong khi 70% người tiêu dùng lên mạng tìm thông tin, địa chỉ mua hàng trước khi đi xem trực tiếp tại cửa hàng.
Vậy nếu doanh nghiệp không có website và thương hiệu riêng trên mạng, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng nhiều nhất vào quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, theo sau đó là mạng xã hội, video trực tuyến, banner trực tuyến.
Vì vậy nếu bỏ qua TMĐT, doanh nghiệp sẽ mất đi nhiều cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh.
Khánh Minh