Ngay khi cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới bắt đầu cách đây 5 năm, đã có nhiều cuộc tranh luận "thế nào là hàng Việt thực sự"?
Ngay khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới bắt đầu cách đây 5 năm, đã có nhiều cuộc tranh luận “thế nào là hàng Việt thực sự”?
Câu trả lời phổ biến nhất và được nhiều người chấp nhận nhất là quan điểm hàng Việt là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam), bất kể đó là hàng do các tập đoàn đa quốc gia hay công ty nước ngoài mở nhà máy tại Việt Nam để sản xuất, thậm chí hàng hóa đó không bán tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ sở cho những con số thống kê “80-90% hàng Việt” trong các chợ, siêu thị hay trung tâm thương mại, dù nó cũng gây không ít nghi ngờ.
Quan niệm về hàng Việt thứ 2 có phạm vi hẹp hơn, cho rằng hàng Việt phải là hàng hóa “thuần Việt”. Nghĩa là hàng hóa sản xuất trong nước và thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đó được sở hữu bởi một doanh nghiệp Việt Nam dù đem đi bán ở đâu chăng nữa, như Vinamilk, Vinamit hay Việt Tiến. Khái niệm này cũng được nhiều người “khó tính” hơn chấp nhận.
Tuy vậy, ở thời đại hiện tại nên chăng cần một cách tiếp cận và một tư duy mới. Thành thật mà nói, nếu hiểu theo cách đầu tiên thì sẽ hiểu ra sao với một sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nhưng đặt nhà máy sản xuất hoàn toàn tại Campuchia? Lúc đó, sản phẩm của nhà máy này làm ra sẽ là hàng Campuchia hay hàng Việt? Và hàng Việt có được coi là hàng Việt hay không nếu chỉ tham gia vào một số khâu trong quá trình làm ra sản phẩm, cho dù đó là những khâu quan trọng nhất?
Hiện tại, thực tế là gần như không tìm ra được một sản phẩm nào hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam hay Thái Lan, hay Mỹ... hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Sản xuất hiện đại theo chuỗi toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia trong quá trình làm ra một sản phẩm. Một chiếc xe hơi có thể sử dụng các linh kiện từ cả chục quốc gia, đặt nhà máy tại một nơi, sở hữu thuộc một tập đoàn nào đó ở một nơi khác, sử dụng thiết kế và các công nghệ ở nhiều quốc gia khác nữa... và thật khó phân định xuất xứ hàng hóa theo cách nhìn cũ. Theo tuyên bố của ông Nguyễn Tử Quảng, chiếc Bphone 2017 do Bkav “sản xuất” có 54% linh kiện xuất xứ Nhật Bản, 23% là Mỹ, số còn lại là châu Âu, Hàn Quốc và chỉ có 0,9% linh kiện của Bphone có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng Bphone vẫn được coi là hàng Việt, vì đó là thương hiệu được sở hữu bởi người Việt, dù được sản xuất ở đâu và sử dụng linh kiện từ những quốc gia nào.
Một chuyên gia trong bài viết trên tờ Saigon Times, cho rằng với cách tiếp cận của chuỗi giá trị toàn cầu thì xuất xứ quốc gia đã được phân đoạn ra thành: quốc gia thiết kế (Country of Design, COD), quốc gia sản xuất (Country of Manufacture, COM), quốc gia lắp ráp (Country of Assembly, COA), quốc gia sở hữu thương hiệu (Country of Brand, COB). Theo cách hiểu này thì chỉ cần Việt Nam tham gia bất kỳ khâu nào trong chuỗi giá trị nói trên, thì đã là điều đáng tự hào và ghi nhận. Bởi nó góp phần làm nên sản phẩm và chứng minh được rằng doanh nghiệp Việt thực sự đã len lỏi được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về lâu dài, cách nhìn nhận về “hàng Việt” theo một cảm quan “cơ học” như trước sẽ không còn đúng đắn hoàn toàn nữa. Thay vào đó, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu dù ở khâu nào cũng là điều cần đầu tư, khuyến khích, tuyên truyền, đặc biệt là ở những khâu trọng yếu như COD hoặc COB- những khâu mang về lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị nói trên.
Vi Lâm