Nông dân Đồng Nai đang bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2017-2018. Do năm nay lượng mưa nhiều và thời tiết thuận lợi cho cây cà phê phát triển, nên dự báo năng suất cà phê sẽ tăng cao...
Nông dân Đồng Nai đang bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2017-2018. Do năm nay lượng mưa nhiều và thời tiết thuận lợi cho cây cà phê phát triển, dự báo năng suất cà phê sẽ đạt tốt hơn so với niên vụ trước đó. Giá cà phê đầu mùa cũng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên nông dân kỳ vọng có vụ thu hoạch tốt hơn mọi năm.
Nông dân kỳ vọng vụ thu hoạch cà phê được mùa, được giá. Trong ảnh: Nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) sẵn sàng cho vụ thu hoạch cà phê mới. |
Tuy nhiên, năm nay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này lại gặp nhiều khó khăn. Dự báo, thị trường xuất khẩu cà phê năm 2018 cũng không có nhiều thuận lợi do giá cà phê nguyên liệu trong nước cao và biến động bất thường của thị trường thế giới.
Kỳ vọng vụ thu hoạch tốt
Theo nông dân trồng cà phê tại Đồng Nai, năng suất cà phê niên vụ thu hoạch năm nay đạt tốt do không bị ảnh hưởng bởi hạn hán nặng như niên vụ trước.
Ông Thòng A Bác, nông dân trồng cà phê tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), vui vẻ cho biết: “Năm nay cây cà phê cho trái sai hơn. Lượng mưa năm nay dồi dào hơn, mưa trái mùa cũng xuất hiện thường xuyên nên nông dân tiết kiệm được phần nào chi phí đầu tư tưới. Giá cà phê tuy giảm so với vài tháng trước nhưng vẫn nhích hơn đôi ba ngàn so đầu mùa năm ngoái nên nông dân cũng hồ hởi hơn trong vụ thu hoạch mới”.
Ông Dương A Nhì, nông dân trồng cà phê tại xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) lại tỏ ra lo ngại: “Phải chờ thu hoạch, chà vỏ mới biết được chính xác năng suất và chất lượng cà phê có đạt hơn so với vụ thu hoạch năm ngoái. Nhưng theo đánh giá bằng mắt, cà phê tuy sai hơn nhưng trái lại nhỏ hơn và nhiều hạt lép hơn mọi năm”.
Tuy nhiên, sự phát triển của cây cà phê của Đồng Nai vẫn thiếu yếu tố bền vững. Ông Nguyễn Mạnh Huy (ở ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), nhận xét: “Tỷ lệ cà phê già cỗi ở Đồng Nai đang tăng nhanh. Cụ thể như ở vùng này, xưa có 10 nhà thì 9 nhà trồng cà phê, nhưng nay chỉ còn vài hộ giữ lại vườn cà phê. Các vườn còn đa số cũng trồng xen canh thêm cây tiêu và cà phê thành cây cho thu nhập phụ”.
Xuất khẩu còn khó khăn
Hiện giá thu mua cà phê tại vườn tùy địa phương, chất lượng mà dao động từ 41-43 ngàn đồng/kg. So với nhiều loại nông sản liên tục rớt giá vừa qua, thị trường cà phê từ đầu năm đến nay được cho có nhiều thuận lợi về giá và nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, giá nguyên liệu cà phê tăng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.
Theo báo cáo của Sở Công thương, giá cà phê thị trường xuất khẩu năm 2017 tăng cao nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 143 ngàn tấn, giảm khoảng 48,5% về lượng và giảm khoảng 25% về giá trị so với cùng kỳ.
Khó khăn của thị trường xuất khẩu cà phê cũng thể hiện rõ qua kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 9 tháng, Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa xuất khẩu được trên 47,5 ngàn tấn nhân cà phê, đạt 39,6% so kế hoạch, bằng 48,6% so với cùng kỳ.
Theo Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa, kết quả kinh doanh đạt thấp do giá cà phê trong nước từ giữa tháng 4 đến nay cao hơn giá xuất khẩu và biến động thất thường. Sản lượng cà phê thu hoạch niên vụ trước giảm hơn 15% và chất lượng cà phê giảm do mất mùa cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến quy mô xuất khẩu của tổng công ty.
Đại diện của Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa đưa ra dự báo: “Năm 2018, thị trường cà phê vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do khả năng sản lượng cà phê sụt giảm và biến động lớn về giá cà phê trên thị trường thế giới”.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, trong quý IV doanh nghiệp sẽ tập trung nhân sự, nguồn vốn để tiếp tục thu mua số lượng lớn cà phê vào cao điểm vụ thu hoạch. Chủ động các biện pháp phòng vệ, bảo hiểm rủi ro trong kinh doanh cà phê.
Bình Nguyên