Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người giữ rừng

08:10, 26/10/2017

Đồng Nai có gần 172 ngàn hécta rừng, trong hơn 20 năm qua diện tích rừng này luôn được tỉnh quan tâm đầu tư và bảo vệ chặt chẽ. Công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện tốt sẽ góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam đã triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đồng Nai có gần 172 ngàn hécta rừng, trong hơn 20 năm qua diện tích rừng này luôn được tỉnh quan tâm đầu tư và bảo vệ chặt chẽ. Công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện tốt sẽ góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam đã triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

>>>> Bài 1: Lợi ích từ việc giữ rừng

Nhà máy thủy điện Trị An là một trong những đơn vị phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Nhà máy thủy điện Trị An là một trong những đơn vị phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Hiện nay, số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho các đối tượng bảo vệ rừng (chủ rừng là tổ chức, chủ rừng là hộ gia đình, hộ nhận khoán,…) chưa cao, bình quân gần 90 ngàn đồng/hécta/năm. Tuy nhiên có thêm nguồn thu này, các chủ rừng sẽ có thêm kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Nhiều diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong lưu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng là gần 165,7 ngàn hécta. Trong đó, diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng hơn 152,3 ngàn hécta, chiếm gần 92% diện tích rừng trong lưu vực chi trả gồm: rừng tự nhiên khoảng 120 ngàn hécta, rừng trồng hơn 32,4 ngàn hécta.

Diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại các đơn vị chủ rừng là tổ chức quản lý gần 146 ngàn hécta, diện tích còn lại thuộc chủ rừng là hộ gia đình quản lý gần 5.870 hécta và UBND các xã, thị trấn quản lý gần 829 hécta được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, Đồng Nai có 10 chủ rừng là tổ chức như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà, Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam bộ, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, các Ban quản lý rừng phòng hộ 600, Tân Phú, Xuân Lộc, Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa. Bên cạnh đó, có 11 UBND xã, thị trấn (tổ chức không phải là chủ rừng được Nhà nước giao rừng) là xã Phú An, Phú Sơn, Phú Xuân, Phú Trung, Tà Lài (huyện Tân Phú); xã Xuân Trường, Xuân Thọ, thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc); xã Hiếu Liêm, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) và xã  La Ngà (huyện Định Quán); chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có khoảng 3,4 ngàn hộ trên địa bàn 5 huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất.

Huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ và phát triển rừng

Ngày 24-9-2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (Nghị định 99/2010/NĐ-CP) và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011; Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 2-11-2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99/2010/NĐ-CP.

- Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong 10 chủ rừng của Đồng Nai được chi trả dịch vụ rừng.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong 10 chủ rừng của Đồng Nai được chi trả dịch vụ rừng.

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định, các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền cho các đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Hầu hết diện tích rừng của Đồng Nai thuộc lưu vực liên tỉnh, do đó tiền dịch vụ môi trường rừng của Đồng Nai sẽ được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Quỹ Trung ương) điều phối theo kế hoạch hàng năm trên cơ sở diện tích rừng của tỉnh tham gia cung ứng trong lưu vực. Hiện nay có 3 đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng đã nộp tiền dịch vụ môi trường rừng là: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái rừng.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 15 đơn vị đang phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm:

+ Lưu vực liên tỉnh: Thủy điện Trị An, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Sài Gòn (SAWACO), Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, Công ty cổ phần dịch vụ và xây dựng cấp nước Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên cấp nước môi trường Bình Dương, Công ty TNHH một thành viên Việt Thăng Long.

+ Lưu vực nội tỉnh: Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, Công ty cổ phần cấp nước Nhơn Trạch, Công ty cổ phần cấp nước Long Khánh, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO, Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng; Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Cát Tiên), Trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai), Khu du lịch sinh thái Thác Mai (Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú). 

Hàng năm, các đơn vị trên thực hiện việc đăng ký kế hoạch và nộp tiền ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (lưu vực liên tỉnh nộp về Quỹ Trung ương; lưu vực nội tỉnh nộp về quỹ tỉnh Đồng Nai). Tổng thu bình quân của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai khoảng 10 tỷ đồng/năm, công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã thực hiện được 5 năm với số tiền khoảng 50 tỷ đồng.

(Còn tiếp)

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Tin xem nhiều