Gần 1 tuần nay, các thương lái chuyên mua bán heo thịt từ huyện Thống Nhất đưa về chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) tiêu thụ nhốn nháo lo lắng vì không tìm được nơi giết mổ.
Gần 1 tuần nay, các thương lái chuyên mua bán heo thịt từ huyện Thống Nhất đưa về chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) tiêu thụ nhốn nháo lo lắng vì không tìm được nơi giết mổ.
Lý do là lò mổ Xuyên Á (lò mổ có công suất lớn nhất TP.Hồ Chí Minh hiện nay) bị tạm ngưng hoạt động do phát hiện tiêm thuốc an thần vào hàng ngàn con heo trước khi giết mổ.
Nhiều thương lái heo Đồng Nai tại chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngưng bán vì không tìm được lò mổ. |
Hiện các thương lái không tìm được nơi giết mổ mới gần chợ nên đành phải tạm ngưng, hoặc chỉ giết mổ với số lượng nhỏ tại các lò mổ ở Đồng Nai hoặc đưa sang tỉnh Long An giết mổ rồi đưa ngược về chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ. Vì khoảng cách quá xa, đi lại bất lợi nên thịt heo đưa về chợ muộn, giá bán thấp nên thương lái bị thua lỗ nặng. Ước tính, lượng heo Đồng Nai đưa về chợ đầu mối này hơn 4 ngàn con/ngày.
* Mong có nơi giết mổ mới
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết gần 1 tuần nay do lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa, thương lái chưa tìm nơi giết mổ mới phù hợp nên đã giảm mua heo thịt khiến lượng heo thịt các trại bán ra bị chậm lại, đầu ra khó khăn. Do đó, giá heo hơi tại Đồng Nai đã giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg, xuống 27-30 ngàn đồng/kg. Hiện hiệp hội đang chờ TP.Hồ Chí Minh xử lý xong lò mổ Xuyên Á sẽ có kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các thương lái để tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ heo của tỉnh. |
Bà Bùi Thị Yến, thương lái ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), than thở: “Trước đây, mỗi ngày tôi mua khoảng 170 con heo thịt từ Đồng Nai đưa về lò mổ Xuyên Á ở TP.Hồ Chí Minh giết mổ và bán tại chợ đầu mối Hóc Môn. Nhưng gần 1 tuần nay lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa, tôi không tìm được nơi giết mổ khác phù hợp đành phải ngưng, bị thiệt hại không ít”.
Do đó, bà Yến cũng như nhiều tiểu thương Đồng Nai đang đưa heo về chợ đầu mối Hóc Môn đều mong muốn thành phố sớm hướng dẫn đến nơi giết mổ mới hợp vệ sinh để họ tiếp tục công việc kinh doanh.
Với hơn 4 ngàn con/ngày, chợ đầu mối Hóc Môn là chợ đầu mối tiêu thụ lượng heo lớn nhất của Đồng Nai. “Ngoài thiệt hại về tiền bạc, tôi còn lo mất mối tiêu thụ vì họ sẽ đi tìm nguồn cung khác. Vì vậy, tôi rất mong chính quyền TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai có sự phối hợp hỗ trợ sớm tìm được nơi giết mổ mới để buôn bán tiếp” - bà Phạm Thị Bích Phượng, thương lái chuyên mua bán heo tại huyện Thống Nhất mang về chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ, nói.
Đầu ra của heo Đồng Nai mấy ngày gần đây khó khăn vì thương lái hạn chế, ngưng mua do không tìm được nơi giết mổ. |
Do sợ mất mối tiêu thụ nên nhiều thương lái ở huyện Thống Nhất đành phải tìm những lò giết mổ ở Đồng Nai hoặc Long An giết mổ tạm rồi đưa về chợ Hóc Môn. Tuy nhiên, các lò mổ ở Đồng Nai, Long An đều có công suất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu vì một thương lái mỗi đêm cần giết mổ từ 100-200 con heo thịt.
* Heo Đồng Nai “mang tiếng” oan
Các thương lái cũng như người chăn nuôi Đồng Nai mấy ngày gần đây khá bức xúc vì một số thông tin cho rằng heo thịt Đồng Nai bị dịch bệnh đưa về lò mổ Xuyên Á để giết mổ rồi đưa ra tiêu thụ ở chợ đầu mối Hóc Môn. Thực tế, heo Đồng Nai đưa về TP.Hồ Chí Minh đều được cơ quan thú y và kiểm dịch của Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh kiểm soát rất kỹ, khó lòng “lọt sổ” hàng ngàn con mỗi ngày.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho hay, sở đã có trao đổi với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn để nắm rõ những khó khăn, vướng mắc của các thương lái tại chợ đầu mối Hóc Môn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, sở cũng có văn bản đề nghị Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh có giải pháp giúp bà con thương lái Đồng Nai trong việc tìm nơi giết mổ mới đảm bảo, sớm ổn định lại việc kinh doanh. Nếu được như vậy, TP.Hồ Chí Minh có nguồn cung thịt sạch ổn định và phía Đồng Nai cũng không lo đến đầu ra cho heo thịt. |
Bà Phạm Thị Thu, thương lái ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn, khẳng định: “Mỗi ngày tôi đưa hơn 100 con heo thịt về chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ đều được kiểm dịch qua 3 tầng: tại nơi xuất chuồng; trạm kiểm dịch ở Đồng Nai; trạm kiểm dịch sau khi vào TP.Hồ Chí Minh rồi mới được vào lò giết mổ”.
Theo bà Thu, heo Đồng Nai “mang tiếng” oan nên rất mong được làm rõ để không ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thịt heo, gây tổn thất cho người chăn nuôi.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết: “Lò mổ Xuyên Á bị tạm ngưng hoạt động do phát hiện heo có tiêm thuốc an thần. Việc ngưng giết mổ khiến heo Đồng Nai và nhiều tỉnh khác đưa về đây đành phải nhốt lại, điều kiện chuồng nhốt tạm không đảm bảo, khu giết mổ vệ sinh kém”.
Ông Quang cũng nhấn mạnh, heo Đồng Nai trước khi đưa về TP.Hồ Chí Minh đều được kiểm dịch kỹ càng, không phát hiện dịch bệnh. Chưa kể, hầu hết heo Đồng Nai đưa về TP.Hồ Chí Minh đều được các trại nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh kiểm soát rất kỹ ở các khâu và được đeo vòng truy xuất nguồn gốc.
* Cần sớm có giải pháp
Theo ông Trần Văn Quang, khi đóng cửa lò mổ Xuyên Á mà không có nơi giết mổ mới cho bà con thương lái sẽ gây ảnh hưởng lớn cho việc tiêu thụ heo thịt của Đồng Nai và nguồn cung thịt heo cho thành phố.
Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, lượng heo đưa về TP.Hồ Chí Minh từ ngày 30-9-2017 đến ngày 4-9 giảm mạnh so với tuần trước đó. Trước đây, khi chưa xảy ra việc đóng cửa lò mổ Xuyên Á lượng heo Đồng Nai đưa đi tiêu thụ gần 6,5 ngàn con/ngày, trong đó phần lớn đưa về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh). Nhưng 5 ngày nay, lượng heo xuất đi chỉ khoảng 4,8 ngàn con/ngày, chủ yếu giảm heo về chợ đầu mối Hóc Môn.
Hơn 30 thương lái ở Đồng Nai đưa heo về chợ đầu mối Hóc Môn đều đang lo lắng tình hình này kéo dài, không tìm được nơi giết mổ mới sẽ thiệt hại rất lớn. Hiện tại, tình trạng chạy khắp nơi tìm lò giết mổ xung quanh khu vực chợ đầu mối vẫn chưa có giải pháp nào hợp lý.
Hương Giang