Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng đang diễn biến phức tạp hơn. Nông dân đã đổ tiền mua đủ loại thuốc để phòng chống sâu bệnh khiến chi phí đầu tư tăng, nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát.
Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng đang diễn biến phức tạp hơn. Nông dân đã đổ tiền mua đủ loại thuốc để phòng chống sâu bệnh khiến chi phí đầu tư tăng, nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát.
Nông dân trồng xoài thất thu vì thời tiết, sâu bệnh. |
Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã và đang gây nên nhiều hiểm họa khôn lường. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, bùng phát nhiều hơn vì cả sâu bệnh và cây trồng đều kháng thuốc.
* Lo bùng phát sâu bệnh
Theo PGS. Trịnh Xuân Vũ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh, việc lạm dụng thuốc, phân đã và đang gây ra nhiều hệ quả khôn lường. Việt Nam có khoảng 27 triệu hécta đất sản xuất nông nghiệp, nhưng sử dụng đến 11 triệu tấn phân bón/năm và trung bình mỗi năm tăng thêm 1 triệu tấn. Trong đó, 45-50% lượng phân bón bị lãng phí do bị rửa trôi gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng là nước sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất thế giới. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu nhiều loại nông sản nhưng vẫn vô danh và mang tiếng xấu với người tiêu dùng các nước. Thực phẩm độc hại cũng đang là nỗi lo khiến người tiêu dùng e ngại, thậm chí quay lưng với nông sản nội. |
Trong vụ thu hoạch vừa qua, cây điều và cây xoài bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 50% diện tích bị giảm năng suất từ 70% trở lên. Trong đó, không chỉ do mưa trái mùa làm rụng bông, rụng trái, mà nhiều vườn cây cháy cả ngọn, cả lá do các loại dịch bọ xít muỗi và bệnh thán thư bùng phát. Các loại trái cây, nông sản khác cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận (huyện Tân Phú), chia sẻ: “Hợp tác xã đang gặp khó khăn rất lớn vì hàng ngàn tấn chuối chưa tiêu thụ được. Chúng tôi hợp đồng bao tiêu chuối cho nông dân cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhưng do bất lợi của thời tiết, sâu bệnh xuất hiện nhiều ảnh hưởng đến chất lượng chuối khiến sản phẩm không đủ chuẩn xuất khẩu, phải tiêu thụ dần trong nước. Trong đó, dịch nặng nhất là sâu gặm vỏ quả và nạn ruồi vàng”.
Theo ông Thuận, trước nay ruồi vàng hầu như không tấn công trái chuối. Nhưng vụ thu hoạch năm nay, nông dân đổ chuối chín đầy vườn vì không có đầu ra khiến dịch ruồi vàng bùng phát tấn công cả những vườn chuối chưa thu hoạch. Nạn dịch ruồi vàng là nỗi lo không nhỏ cho vụ thu hoạch trái cây hè này vì mùa mưa là mùa loại sâu hại này phát triển rất mạnh.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh), cho biết: “Vụ trái cây hè năm nay, chi phí đầu tư thuốc phun xịt chống nấm, sâu bệnh trên cây trồng cao hơn hẳn mọi năm. Do thời tiết thất thường, nấm bệnh xuất hiện nhiều khiến nông dân gặp nhiều khó khăn vì tốn chi phí đầu tư mà năng suất, chất lượng trái cây vẫn bị ảnh hưởng”.
* Tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Phân tích nguyên nhân sâu bệnh bùng phát, ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (huyện Thống Nhất), cho rằng, dịch bệnh bùng phát như hiện nay không chỉ do thời tiết thất thường mà chủ yếu do nông dân chưa xử lý đúng.
"Vụ điều năm nay, xã Hưng Lộc vẫn có nhiều nông dân trúng vụ do chủ động phòng và trừ dịch bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Cây ca cao cũng có một số dịch bệnh tương tự cây điều, cụ thể cuối năm ngoái do thời tiết thất thường, ca cao cũng bị nhiều loại dịch bệnh tương tự như cây điều tấn công gây thiệt hại về năng suất. Rút kinh nghiệm, từ đầu năm đến nay nhiều nông dân chủ động phòng, sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm nên dù thời tiết vẫn bất lợi nhưng lại đạt năng suất cao” ông Phước nói.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương nên quan tâm và chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, không nên để đến lúc phát sinh dịch mới đổ thuốc vào xử lý. Việc tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về làm đúng thời vụ, sử dụng giống kháng sâu bệnh, chủ động phòng chống rất quan trọng.
Ông Sinh khuyến cáo: “Thời điểm này chuẩn bị vào vụ thu hoạch trái cây hè, nguy cơ dịch ruồi vàng rất lớn. Nông dân nên chủ động phòng chống, đừng để phát sinh dịch. Cụ thể, rác, trái cây chín đổ đống chính là nơi các ổ dịch phát sinh, nông dân nên quan tâm dọn vệ sinh vườn, diệt ruồi vàng khi đang còn ở thể trứng, nhộng vì để phát triển thành con rất khó xử lý vì hiện chưa có thuốc đặc trị”.
Bình Nguyên