Đồng Nai có trên 20 ngàn doanh nghiệp (DN), trong đó gần 90% là DN nhỏ và vừa. Một trong những vấn đề khó khăn DN đang gặp phải là đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng nhiều DN lại ít chú ý xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng Nai có trên 20 ngàn doanh nghiệp (DN), trong đó gần 90% là DN nhỏ và vừa. Một trong những vấn đề khó khăn DN đang gặp phải là đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng nhiều DN lại ít chú ý xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản xuất găng tay cao su tại Công ty TNHH Nam Long ở xã Long An (huyện Trảng Bom). |
Theo Sở Công thương, hàng năm tỉnh đều có các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhưng DN chưa chủ động đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa chủ động, kiên trì đeo bám trong thỏa thuận, duy trì thị trường nên kết quả kết nối chưa cao.
* Không dễ có ngay đơn hàng
Mới đây trong đợt giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách của HĐND tỉnh về chương trình xúc tiến thương mại năm 2015, 2016, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, yêu cầu: “Tỉnh có nhiều chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ DN, hợp tác xã. Sở Công thương chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực này phải kiểm tra thường xuyên”. |
Lâu nay, công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước luôn được tỉnh rất chú trọng. Hàng năm tỉnh đều tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến thương mại ở những thị trường truyền thống, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Đức... cũng như một số thị trường mới. Đây là dịp để các DN giới thiệu hàng hóa với đối tác nước ngoài nhằm tìm cơ hội liên kết để xuất khẩu hàng hóa. Thế nhưng, xúc tiến thương mại không phải cứ đi là trở về có ngay đơn hàng. Đồng thời, cũng có những đợt xúc tiến không mang lại kết quả. Nhưng nếu DN dễ nản thì rất khó mở rộng được thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, huyện Long Thành), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cho hay: “Công ty sản xuất găng tay cao su tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu sang Hàn Quốc khá ổn định. Nhưng nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất nên công ty thường tham dự các đợt xúc tiến thương mại của tỉnh. Kiên trì một thời gian dài, công ty mới gặp được đối tác của Nga ký hợp đồng”. Cũng theo ông Long, xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong nước hoặc ra nước ngoài không phải sẽ có ngay đơn đặt hàng, nhiều khi phải kiên trì đi nhiều lần mới tìm được khách hàng.
Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, bày tỏ: “Cũng có những DN đi xúc tiến thương mại tìm ngay được đơn đặt hàng, nhưng cũng có DN phải 1-2 năm sau mới nhận được đơn đặt hàng. Vì vậy, theo tôi muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm DN không thể bỏ qua xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu”.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai, các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đều được thông báo lên website của trung tâm, DN có thể vào tham khảo nếu thấy phù hợp đăng ký tham gia sẽ được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí. Những DN không có điều kiện tham gia có thể gửi tờ rơi giới thiệu sản phẩm để trung tâm đưa đi giới thiệu giúp.
* Cần xúc tiến theo ngành hàng
Một số DN cho biết rất muốn tham gia các đợt xúc tiến thương mại nhưng tỉnh nên có thông báo sớm để kịp chuẩn bị. Mỗi đợt xúc tiến thương mại nên chọn ra vài ngành hàng cụ thể mà nước đến đang có nhu cầu nhập khẩu. Đồng thời, đề nghị Đại sứ quán ở nước sở tại hỗ trợ gặp gỡ với những DN đang có nhu cầu liên kết sản xuất tiêu thụ những mặt hàng đang có nhu cầu xuất khẩu. Như vậy, DN hai bên cùng có sự chuẩn bị kỹ từ trước khi gặp mặt trao đổi tỷ lệ tìm được đối tác xuất khẩu sẽ cao hơn.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, nói: “Xúc tiến thương mại cụ thể một vài ngành hàng phía đối tác cũng dễ chọn ra những DN cùng ngành để gặp mặt. Theo đó, khả năng tìm được đơn hàng sẽ cao hơn. Nhưng sau xúc tiến thương mại các DN về nước phải chú ý đến liên kết để khi có đơn hàng lớn có thể đủ năng lực đáp ứng”.
Thực tế, thời gian qua không ít DN sau khi tham gia xúc tiến thương mại nhận được những đơn hàng lớn đành phải từ chối vì không đủ khả năng đáp ứng. Mời gọi liên kết thì các DN khác không muốn. “Sau đợt xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ, cơ sở nhận được đơn hàng lớn làm các sản phẩm gỗ mỹ nghệ trang trí của Tập đoàn Walmart nhưng không dám nhận vì không đủ khả năng đáp ứng”- ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (huyện Trảng Bom), chia sẻ.
Hương Giang