Báo Đồng Nai điện tử
En

"Kích" đầu tư bằng dự án giao thông

10:02, 06/02/2017

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang bị quá tải về giao thông. Theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có những đột phá về xây dựng hạ tầng giao thông mới đáp ứng kịp nhu cầu phát triển...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang bị quá tải về giao thông. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cần phải có những đột phá về xây dựng hạ tầng giao thông mới đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Do đó, nhiều tuyến đường đang được đốc thúc đầu tư.

Quốc lộ 51 khá rộng rãi với 8 làn xe, thế nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy, cần sớm đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giảm áp lực. Trong ảnh: Kẹt xe trên quốc lộ 51, đoạn cây số 67 qua xã Long Phước, huyện Long Thành.
Quốc lộ 51 khá rộng rãi với 8 làn xe, thế nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy, cần sớm đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giảm áp lực. Trong ảnh: Kẹt xe trên quốc lộ 51, đoạn cây số 67 qua xã Long Phước, huyện Long Thành.

* Hiệu quả rõ ràng

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khi dự hội nghị tổng kết ngành giao thông đã yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải cần khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc - Nam và đầu tư hạ tầng giao thông cần tập trung vào một số khu vực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tăng trưởng mạnh, đặc biệt là những công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá.

Nhìn từ Khu công nghiệp (KCN) Long Khánh (TX.Long Khánh) để thấy, KCN này được xây dựng hạ tầng từ năm 2008 với diện tích 264 hécta. Vì nhiều nguyên do, trong đó có giao thông chưa thuận tiện nên KCN Long Khánh suốt nhiều năm liền rất khó thu hút nhà đầu tư, cùng chung hoàn cảnh với các KCN xa trung tâm khác: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc và Dầu Giây. Những KCN này thuộc diện vùng sâu, vùng xa, kết nối giao thông khó khăn dẫn đến nhà đầu tư ngại ngần.

Các đơn vị kinh doanh hạ tầng các KCN: Long Khánh, Dầu Giây, Định Quán đều cho biết từ năm 2011 đến nay, thu hút đầu tư ở những KCN này rất chậm dù các chủ đầu tư hạ tầng ra sức mời gọi nhà đầu tư và có những chủ trương ưu đãi về chính sách thuê đất. Thời gian đó, nhiều nhận định cho rằng trong bối cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế nói chung, nguy cơ “bỏ hoang” của những KCN khó thu hút đầu tư này là rất cao, trong khi ở mỗi nơi chủ đầu tư hạ tầng đã đổ vào khá nhiều vốn liếng và công sức.

Thực tế, khi quốc lộ 1 được nâng cấp và đặc biệt tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành đưa vào sử dụng, giao thông thuận tiện hơn thì chỉ trong một thời gian ngắn 2 KCN Dầu Giây, Long Khánh nằm ở đầu tuyến cao tốc này đã lấp đầy diện tích đất cho thuê. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KCN Long Khánh, cho hay 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp đến KCN Long Khánh thuê đất khá đông nên đã gần lấp đầy diện tích, hiện chỉ còn khoảng 30 hécta đất để cho thuê. Công ty cổ phần KCN Long Khánh đang xin mở rộng thêm hơn 360 hécta, trong đó phần mở rộng thuộc địa bàn xã Suối Tre
(TX.Long Khánh) là 178 hécta và xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) thêm 187 hécta.

* Quan tâm công trình trọng điểm

Đánh giá về hiệu quả do các dự án giao thông mới hoàn thành mang lại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng hệ thống giao thông được cải thiện trong những năm qua đã góp phần tích cực thấy rõ cho phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung. Đây cũng là lý do cần phải có bước đột phá mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực giao thông. Lãnh đạo tỉnh cũng “điểm danh” một số công trình giao thông do Bộ Giao thông - vận tải đầu tư mà Sở Giao thông - vận tải cần tích cực phối hợp để sớm hoàn thành, như: tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch. Đây là những tuyến đường khá quan trọng để thuận tiện lưu thông hàng hóa cho các KCN trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm, ngoài các tuyến đường mới đang được đầu tư thì hệ thống giao thông cũ cũng cần được mở rộng và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu. “Sở cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông - vận tải cho mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu. Đồng Nai là cửa ngõ để đi vào TP.Hồ Chí Minh và đến các tỉnh miền Tây. Hàng ngày, lượng xe qua lại rất đông trong khi mặt đường quốc lộ 1 hiện nay rất hẹp, đang quá tải” - ông Liêm nói.

Việc mở rộng quốc lộ 1 là rất cần thiết vì không thể phó thác trông chờ hoàn toàn vào đường cao tốc, bởi nhu cầu các phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 1 hiện rất lớn.

Khắc Giới

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích