Đồng Nai không thiếu những nông dân năng động, không ngừng thay đổi để trau dồi cho mình một tư duy sản xuất, kinh doanh mới.
Đồng Nai không thiếu những nông dân năng động, không ngừng thay đổi để trau dồi cho mình một tư duy sản xuất, kinh doanh mới.
Ông Trần Anh Tùng (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) tổ chức quầy giới thiệu sầu riêng VietGAP tại Co.opmart Biên Hòa vào tháng 6- 2016. |
Và với tư duy mở đó, họ không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình mà cùng bắt tay nhau làm giàu bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; sản xuất theo quy mô lớn, đảm bảo chất lượng an toàn...
Những nông dân năng động
Ông Trần Anh Tùng (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) là nông dân tiêu biểu của Đồng Nai được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”. Sự năng động của ông Tùng bắt đầu từ tư duy làm nông không cần phải “tay lấm, chân bùn” mà hiệu quả công việc vẫn cao nhờ ứng dụng máy móc, kỹ thuật mới. Ông đã cho lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, dùng máy tạo gió để kích thích sầu riêng ra trái và bỏ công nghiên cứu, chế tạo chiếc máy phun thuốc đa năng để giảm công lao động. Ông cũng là nông dân tiên phong của địa phương chuyển đổi gần 2,5 hécta sầu riêng theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, năng suất sầu riêng của ông đạt hơn 20 tấn/hécta, trước đây chỉ có 13 tấn.
Còn ông Nguyễn Văn Quán (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) nổi tiếng vì phát triển được vùng chuyên canh hơn 20 hécta các đặc sản cây có múi, như: quýt đường, bưởi da xanh ruột hồng, chanh không hạt... Đây là thuận lợi không nhỏ để ông tổ chức sản xuất đồng bộ và dễ dàng hơn trong quản lý. Ông Quán chia sẻ: “Tôi không chọn chạy theo số lượng. Tùy vào sức cây mà tôi cho ra một sản lượng phù hợp để luôn đạt tỷ lệ trái lớn, trái ngon cao, có giá bán tốt mà không quá tốn công hái, lại dưỡng được sức cây”. Ông cũng tỉa ngọn, tỉa cành để cây quýt tỏa tàn thấp, tiết kiệm diện tích đất mà việc thu hoạch trái cũng ít tốn công sức hơn. Đây cũng là nguyên nhân ông cho nhân rộng diện tích giống chanh không hạt, trái lớn đang được thị trường ưa chuộng. Nhiều thương lái thu mua giống chanh này cung cấp cho siêu thị nên không lo đầu ra.
Tết Nguyên đán vừa qua, vườn lan ngọc điểm của bà Phạm Ái Phi (TP.Biên Hòa) cung cấp ra thị trường hàng ngàn chậu lan. Khoảng 2 năm trở lại đây, bà Phi tập trung phát triển giống lan ngọc điểm, giống hoa bán được giá cao hơn nhiều giống lan khác do đang được người chơi rất chuộng. Vườn lan của bà Phi được lắp giàn, phủ nhà lưới, lắp hệ thống tưới tự động... Theo bà Phi: “Ở thành phố đất hẹp, công lao động đắt đỏ nên muốn giàu lên từ nông nghiệp, tôi chọn hướng làm nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ thú chơi hàng “độc”, hàng đẹp của khách”. Dù chỉ có hơn 1 ngàn m2 nhưng vườn lan của bà Phi luôn đạt lợi nhuận cao vì chuyên sản xuất những giống lan ít phổ biến trên thị trường.
Chủ động tìm thị trường
Ông Trần Anh Tùng chia sẻ: “Long Thành có tiếng về sầu riêng và nhiều loại trái cây ngon. Nông dân cũng quan tâm làm VietGAP để có sản phẩm an toàn nhưng trái cây vẫn bán trôi nổi trên thị trường”. Đây chính là nguyên nhân khiến nông dân chỉ quen với ruộng vườn quyết định học cách làm kinh doanh. Năm 2016, ông Tùng làm thêm dịch vụ thu mua, đóng gói trái cây tại nhà; đồng thời đầu tư mở cửa hàng bán sầu riêng sạch tại thị trấn Long Thành. Ông chủ động liên hệ với Co.opmart Biên Hòa, tổ chức quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm sầu riêng VietGAP. Ông cho dán tem, ghi rõ địa chỉ và số điện thoại người bán, tuy hoạt động này chỉ diễn ra trong 1 tuần nhưng nhiều khách hàng biết đến liên hệ đặt mua sau đó. Ông Tùng cũng đại diện cho nông dân trồng sầu riêng tại địa phương đàm phán với siêu thị về việc đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị.
Trong giai đoạn người nuôi heo đang đứng trước cơn sóng lớn của thị trường vì khó khăn về đầu ra, các thành viên của Tổ hợp tác GAHP 1 Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) vẫn yên tâm vì heo đạt trọng lượng xuất chuồng đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 1 Hưng Lộc là người đã đứng ra làm cầu nối để tổ chức tốt chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Nữ nông dân này vẫn chủ động tham gia các lớp tập huấn về quy trình nhập dữ liệu và kích hoạt hệ thống truy xuất nguồn gốc heo theo đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh. Bà cũng không ngại bỏ công mày mò học cách làm sổ sách, tính toán công nợ, sử dụng các phần mềm máy tính để quản lý tốt các đơn hàng bán heo của tổ viên cho doanh nghiệp. Bà Cúc tự hào chia sẻ: “Từ cả năm trước, tổ hợp tác đã liên kết được với doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Giờ chúng tôi có 2 doanh nghiệp cùng bao tiêu nên suốt giai đoạn heo hơi rớt giá thê thảm vừa qua vẫn tiêu thụ tốt. Các thành viên trong tổ càng tin tưởng, gắn bó với chuỗi liên kết vì đầu ra luôn được đảm bảo”.
Bình Nguyên