Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp chế biến điều gặp khó

09:11, 14/11/2016

Hạt điều hiện đang tăng giá mạnh và thông thường doanh nghiệp chế biến phải thấy mừng, nhưng các nhà chế biến ngành hàng này lại tỏ ra lo lắng. Nguyên nhân là do giá hạt điều tăng...

Hạt điều hiện đang tăng giá mạnh và thông thường doanh nghiệp chế biến phải thấy mừng, nhưng các nhà chế biến ngành hàng này lại tỏ ra lo lắng. Nguyên nhân là do giá hạt điều tăng với tốc độ phi mã khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.

Đóng gói nhân điều xuất khẩu tại Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm (Donafoods).
Đóng gói nhân điều xuất khẩu tại Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm (Donafoods).

Nhu cầu nhập khẩu nhân điều vào cuối năm ở một số thị trường thường tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến điều lại hết sức dè dặt trong việc tăng công suất chế biến, thậm chí ngược lại còn giảm công suất để xem xét.

* Giảm công suất vì giá tăng

Cơ sở chế biến hạt điều của bà Đỗ Thu Hiền ở huyện Cẩm Mỹ từ giữa năm 2016 đến nay đã giảm công suất chế biến do giá hạt điều nguyên liệu tăng. Bà Hiền cho hay, khi giá nguyên liệu tăng cao, áp lực lên đồng vốn rất lớn. “Thời điểm đầu năm 2016,  giá hạt điều chỉ có 37 ngàn đồng/kg nhưng hiện lên đến 50 ngàn đồng/kg, so với đầu năm thì mỗi tấn điều đã tăng thêm khoảng 13 triệu đồng. Giá nguyên liệu quá cao nên các cơ sở nhỏ không dám “ôm” hàng, sản xuất đến đâu mua tới đó, nhiều lúc mua hàng không được” - bà Hiền chia sẻ.

Không chỉ cơ sở của bà Hiền mà nhiều đơn vị khác cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Chủ một doanh nghiệp chế biến điều khá lớn ở huyện Xuân Lộc cũng cho biết từ tháng 8 đến nay, công ty ông đã giảm tới 30% sản lượng chế biến vì nguồn cung đang bị hạn chế. Theo vị giám đốc này, trong thời điểm nguồn hàng đang khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp rất dễ “ôm” phải những lô hàng nhập khẩu kém chất lượng và khi đưa vào chế biến rất dễ bị lỗ. Để tránh rủi ro, doanh nghiệp buộc phải thận trọng.

Ông Đặng Thái Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoàng Thúy Diễm ở huyện Thống Nhất, cũng cho rằng khi giá nguyên liệu tăng nhanh thì tính rủi ro trong sản xuất rất cao. Theo ông Sơn, thực tế các nhà sản xuất sẽ rất áp lực khi giá nguyên liệu tăng mạnh, bởi đơn hàng xuất khẩu thường được chốt giá hợp đồng từ trước. 

* Bị động do thời tiết

Mức giá 50 ngàn đồng/kg hạt điều thô hiện nay được xem là cao nhất trong nhiều năm qua. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nguyên nhân của giá hạt điều tăng là do tình trạng biến đổi thời tiết gây mất mùa điều niên vụ 2015-2016. Vụ điều vừa qua, sản lượng điều của cả nước chỉ đạt gần 400 ngàn tấn, giảm khoảng 30% so với vụ điều trước, trong khi đó nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu vào khoảng 1,3 triệu tấn. Không chỉ vậy, nguồn hàng nhập khẩu từ các nước châu Phi, Ấn Độ năm nay cũng khó khăn hơn. Tại Ấn Độ, các nhà chế biến điều cũng đang phải đẩy giá lên mới mua được hàng để chế biến. Riêng thị trường Bờ Biển Ngà cung cấp tới 40% sản lượng hạt điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam cũng đã giảm sản lượng khoảng 100 ngàn tấn.

Do tình trạng khan hàng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu “méo mặt” vì đối tác không giao hàng đúng thời hạn, ảnh hưởng đến sản xuất. Có những doanh nghiệp chấp nhận tăng thêm 100 USD cho mỗi tấn hàng sang lại. Theo các doanh nghiệp, trong quá trình sơ chế có rất nhiều chi phí, nếu không cân đối được chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra, khả năng bị lỗ là rất cao. Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh cho rằng, đây là năm giá điều tăng mạnh ngay từ đầu năm và gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp chế biến. Theo dự kiến, năm 2016 ngành chế biến điều xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD và duy trì là nước xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường tiêu thụ hạt điều của Việt Nam nhiều nhất.

Vân Nam

Tin xem nhiều