Hiện nay, các nhà máy ép mía, sản xuất đường tại Đồng Nai đang triển khai việc khảo sát năng suất, sản lượng mía trước khi vào niên vụ sản xuất mới. Phía doanh nghiệp cũng chưa công bố mức giá mua mía cho nông dân vì dự kiến hơn 1 tháng nữa mới vào vụ sản xuất.
Hiện nay, các nhà máy ép mía, sản xuất đường tại Đồng Nai đang triển khai việc khảo sát năng suất, sản lượng mía trước khi vào niên vụ sản xuất mới. Phía doanh nghiệp cũng chưa công bố mức giá mua mía cho nông dân vì dự kiến hơn 1 tháng nữa mới vào vụ sản xuất.
Lò đường của ông Huỳnh Công Minh (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) vào vụ trễ hơn cả tháng so với mọi năm vì bất lợi về nguồn nguyên liệu. |
Tuy nhiên, dự báo niên vụ mía đường 2016-2017 sản lượng và chất lượng mía nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm mặn. Sản lượng đường sản xuất trong nước và thế giới đều có nguy cơ sụt giảm.
Nông dân kỳ vọng giá tăng
Niên vụ mía đường năm nay, nông dân đặt kỳ vọng sẽ có một vụ thu hoạch tốt nhờ giá mía tăng. Ngược lại, các nhà máy chế biến đường lại gặp nhiều khó khăn, nhất là nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến.
Theo nhiều nông dân trồng mía tại Đồng Nai, biến đổi bất thường của thời tiết không ảnh hưởng nhiều đến năng suất mía niên vụ năm nay nhưng khiến cho chi phí đầu tư cao hơn. Tuy hiện nay các nhà máy đường chưa thông báo giá mua mía, nhưng có một số dấu hiệu để nông dân đặt kỳ vọng giá mua mía năm nay cao hơn niên vụ trước do khan hiếm hơn về nguồn nguyên liệu.
Ông Trần Thái Quốc, nông dân tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), nhận xét niên vụ này, các đồng mía ở địa phương đều phát triển khá tốt, dự kiến năng suất, sản lượng không thua niên vụ trước. Tuy nhiên, diện tích mía tiếp tục bị thu hẹp dần. Do năm nay hạn hán kéo dài, gia đình ông Quốc buộc phải chuyển gần 30 hécta trồng mía ở khu vực thiếu nước tưới sang trồng tràm, trồng mì. Một số “đại gia” trồng mía với diện tích lớn tại địa phương cũng bỏ cây mía chuyển sang đầu tư cây, con khác. Trong đó, nhiều hộ thuê đất trồng mía với diện tích lớn cũng buộc phải thu hẹp dần diện tích vì người cho thuê lấy lại đất chuyển sang đầu tư trang trại chăn nuôi.
Năm nay năng suất mía tại cánh đồng lớn ở xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) tuy có giảm hơn so với niên vụ trước nhưng vẫn đạt mức cao so với mặt bằng chung. Ông Lê Văn Phẩm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Trị An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Năng suất bình quân tại cánh đồng lớn niên vụ này dự kiến đạt khoảng 80 tấn/hécta. Năng suất giảm hơn so với vụ đầu vì đây là lứa mía tái sinh chứ không phải do ảnh hưởng của thời tiết. Theo dõi tình hình giá mía trong niên vụ mới, người trồng mía đều rất mong nhà máy đường có mức giá mua tốt hơn cho nông dân”.
Nhiều nỗi lo
Trong khi nông dân kỳ vọng sẽ có một mùa mía ngọt trong niên vụ mới thì các nhà máy chế biến đường đang đối mặt với nhiều nỗi lo. Ông Huỳnh Công Minh, chủ lò đường tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ lò đường của ông đã chạy máy ép mía từ nửa tháng trước, nhưng rồi gặp phải giai đoạn mưa dầm kéo dài khiến chữ đường đạt thấp nên ông phải tạm ngưng hoạt động. Niên vụ này lò đường có thể vào mùa sản xuất chậm hơn cả tháng so với mọi năm. Hiện giá đường ông bán cho doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và các lò bánh mứt đang ở mức cao hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg so với niên vụ trước, nhưng nhà sản xuất buồn nhiều hơn vui vì mức giá tăng này không đủ bù cho chi phí đầu vào tăng.
Ông Minh phân tích: “Thời tiết thất thường ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng mía. Đầu vụ thì khô hạn khiến nhiều diện tích mía chết hoặc hao hụt; cuối vụ lại mưa dầm làm cho chữ đường của mía giảm. Chỉ tính riêng chi phí công lao động để chăm sóc mía và chế biến đã tăng hơn khoảng 20% so với niên vụ trước. Đợt rồi tôi mua mía, giá mía đầu vụ tăng thêm khoảng 5% so với niên vụ trước và có khả năng đây chưa phải là mức tăng cuối cùng của niên vụ sản xuất năm nay”.
Ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu), cho hay niên vụ sản xuất năm nay, nhà máy đặt kế hoạch sản xuất đạt sản lượng đường tương đương như niên vụ năm ngoái. Nhưng mục tiêu này không dễ thực hiện vì sản lượng mía năm nay giảm mạnh so với niên vụ trước do năng suất mía bị ảnh hưởng bởi hạn hán, mặt khác cũng có nguyên nhân diện tích mía đang bị thu hẹp dần. Ông Nghiêm nói: “Hiện chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn khảo sát các vùng mía và lên kế hoạch thu mua. Dự kiến khoảng đầu tháng 11, nhà máy sẽ tổ chức hội nghị khách hàng để thông báo giá mua mía cho nông dân. Các niên vụ trước, chúng tôi đều tính toán để đưa ra mức giá mua tốt nhất cho nông dân nên dù niên vụ này có khó khăn về nguồn nguyên liệu nhưng giá mía rất khó xảy ra biến động lớn. Thực tế, đã có nhà máy đường ở TP.Cần Thơ tạm ngưng sản xuất vì giá mía quá cao, hoạt động không hiệu quả”.
Bình Nguyên