Báo Đồng Nai điện tử
En

Hơn 20 năm gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ

10:10, 05/10/2016

44 tuổi, ông Nguyễn Văn Tờ (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ.

44 tuổi, ông Nguyễn Văn Tờ (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ. Ông Tờ là một trong những lớp thợ có tay nghề cao, gắn bó với nghề nhiều năm, góp phần lưu giữ và phát triển nghề mộc mỹ nghệ ở Đồng Nai. Hiện nay, ông là một trong số ít thợ của huyện Trảng Bom có thể nhìn qua là làm được tất cả các sản phẩm mỹ nghệ, như: thuyền buồm, ô tô, máy bay, mô tô, các con thú...

Ông Nguyễn Văn Tờ (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) kiểm tra các sản phẩm mộc mỹ nghệ. Ảnh: H. Giang
Ông Nguyễn Văn Tờ (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) kiểm tra các sản phẩm mộc mỹ nghệ. Ảnh: H. Giang

Ông Tờ kể: “Gia đình tôi có 3 đời làm nghề mộc, từ ông nội tôi truyền lại cho cha tôi. Khi còn nhỏ, ngoài giờ học tôi rất thích theo phụ với cha và được ông chỉ bảo từng li từng tí. Do đó, đến lúc trưởng thành thì tôi đã có tay nghề cứng cáp, có thể ra ngoài sống bằng nghề mộc”. Nghề mộc mỹ nghệ ngoài việc đòi hỏi người thợ phải có tay nghề mộc cao, còn phải có sự khéo léo, tinh tế và một chút năng khiếu về mỹ thuật. Bởi những sản phẩm tạo ra phần lớn các công đoạn là làm thủ công, nếu người thợ không có khiếu mỹ thuật, sản phẩm tạo ra sẽ thiếu nét tinh xảo và cái hồn ở trong đó.

Theo nghề hơn 20 năm, ông Tờ đã làm ra hàng ngàn mẫu sản phẩm khác nhau để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ông là một trong những thợ lâu năm nhất của Cơ sở mộc mỹ nghệ Thành Nhân (huyện Trảng Bom). Sự nổi tiếng của làng nghề mộc mỹ nghệ ở Đồng Nai có đóng góp không nhỏ của ông Tờ. Khi hỏi về nghề, bằng giọng chân chất, mộc mạc, ông nói: “Tôi chỉ nghĩ làm nghề nào thì phải toàn tâm, toàn ý mới tạo ra được những sản phẩm tốt. Nghề cho thu nhập nuôi sống mình thì mình phải gắn bó với nghề”. Cái triết lý của ông nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Nghề mộc mỹ nghệ ở huyện Trảng Bom đã từng trải qua nhiều thăng trầm, có những giai đoạn hoàng kim, song cũng có lúc khó khăn khiến nhiều cơ sở phải đóng cửa, và không ít thợ của làng nghề mộc mỹ nghệ đã chuyển nghề. Thế nhưng, ông Tờ vẫn gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ, và tin rằng sóng gió của làng nghề sẽ qua đi. Niềm tin ấy của ông đã thành hiện thực, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Trảng Bom giờ đã xuất được qua hơn 10 nước trên thế giới.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều