Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảng biển tiềm năng vẫn "ngủ yên"

09:10, 05/10/2016

Nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 5, Đồng Nai có hệ thống cảng được đánh giá rất có ưu thế phát triển. Tuy nhiên, đến nay thì các cảng này vẫn còn "ngủ yên" chưa được đánh thức.

Nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 5, Đồng Nai có hệ thống cảng được đánh giá rất có ưu thế phát triển. Tuy nhiên, đến nay thì các cảng này vẫn còn “ngủ yên” chưa được đánh thức.

Tàu 30 ngàn tấn vào nhận hàng tại Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành).
Tàu 30 ngàn tấn vào nhận hàng tại Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành).

Tiềm năng của nhóm cảng biển số 5 được các nhà kinh tế đánh giá cao. Nếu phát huy được hiệu quả của nhóm cảng này, sẽ tạo sự phát triển cân đối của ngành vận tải và đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa lớn của khu vực kinh tế sôi động nhất nước.

Nhiều cảng tiềm năng cao

Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng của Đồng Nai hiện nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 5 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2014. Hệ thống cảng biển này thuộc loại cảng tổng hợp quốc gia (cảng loại I), bao gồm các khu bến cảng thành phần: Cảng Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành), Cảng Phú Hữu, Cảng Ông Kèo và Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch).

Hiện mỗi năm các cảng phục vụ vận chuyển trên 11 triệu tấn hàng và có tốc độ phát triển rất nhanh. Portcoast dự báo đến năm 2020, năng lực thông quan hàng hóa của các cảng này đạt khoảng 21 triệu tấn, vào năm 2030 lượng hàng hóa thông qua đây lên đến gần 60 triệu tấn. Riêng với container, đến năm 2020 đạt khoảng 770 ngàn TEU (container 20 feet)/năm, đến năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu TEU/năm  và đến năm 2030 đạt khoảng  2,8 triệu TEU/năm.

Ông Đỗ Hồng Thái, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết chương trình phát triển vận tải đường thủy đang được Bộ Giao thông - vận tải rất quan tâm, bởi phương thức vận tải này mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là vận tải hàng hóa ở vùng kinh tế trọng điểm, chia sẻ cho áp lực đường bộ. Năm 2015, lượng hàng hóa qua các cảng ở Đồng Nai mới đạt mức 9,4 triệu tấn. So với quy hoạch, lượng hàng hoá lưu thông đến năm 2030 trên 80 triệu tấn (cả hàng tổng hợp và container) mới chiếm hơn 11%.    

Chưa kết nối đường bộ

Theo quy hoạch chi tiết các bến cảng chức năng, khu bến cảng Phước An - Gò Dầu trên sông Thị Vải là khu bến chính của Cảng Đồng Nai, chủ yếu tiếp nhận tàu tổng hợp, container có tải trọng 60 ngàn tấn (Cảng Phước An) và 30 ngàn tấn (Cảng Gò Dầu). Một số bến chuyên dùng ở khu vực này tiếp nhận tàu từ 6.500-12.000 tấn phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp tại đây. Khu bến cảng: Phú Hữu, Nhơn Trạch, Ông Kèo trên sông Đồng Nai, Nhà Bè và Lòng Tàu bao gồm cả các bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu từ 10-30 ngàn tấn phục vụ cho các khu công nghiệp trong khu vực huyện Nhơn Trạch. Khu bến cảng trên sông Đồng Nai tiếp nhận tàu hàng tổng hợp, hàng container có tải trọng đến 5 ngàn tấn và bến chuyên dùng khu vực phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho tàu 1 ngàn tấn. 

Theo thống kê của Portcoast, trên 4 nhánh sông: Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Thị Vải có tổng số 44 cảng, nhưng hiện tại mới có 15 cảng được đầu tư. Như vậy, dư địa để phát triển hệ thống cảng ở đây vẫn còn rất lớn. Cụm cảng Gò Dầu - Phước An được quy hoạch 8 cảng, đến nay có 5 cảng đi vào hoạt động; trên sông Đồng Nai có 3 cảng đều đã đi vào hoạt động. Khu vực còn nhiều cảng chưa được đầu tư khai thác nhất nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Nơi đây theo quy hoạch có 33 bến cảng, hiện mới có 7 bến hoạt động, còn lại 26 bến chưa xây dựng.

Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho hay sở dĩ khu vực cảng ở đây chưa phát triển mạnh do hệ thống giao thông đường bộ chưa được đầu tư kết nối. “Tỉnh đang kêu gọi đầu tư tuyến đường liên cảng ở đây. Khi nào hệ thống đường này được xây dựng xong, lúc đó khu vực cảng này mới phát triển mạnh được” - ông Bình nói.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích