Báo Đồng Nai điện tử
En

Có thể chuyển tặng vải thừa cho cơ quan từ thiện xã hội

10:06, 05/06/2016

Sau khi Báo Đồng Nai  thông tin về việc Công ty cổ phần Đồng Tiến tiêu hủy trên 1.600 cây vải thừa, trị giá gần 7 tỷ đồng, dư luận tỏ ra rất bức xúc trước sự lãng phí này...

Sau khi Báo Đồng Nai thông tin về việc Công ty cổ phần Đồng Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) tiêu hủy trên 1.600 cây vải thừa, trị giá gần 7 tỷ đồng, dư luận tỏ ra rất bức xúc trước sự lãng phí này và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp kịp thời để sử dụng nguyên liệu thừa có hiệu quả hơn.

Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến vận chuyển vải ra tiêu hủy.
Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến vận chuyển vải ra tiêu hủy.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Lê Văn Danh cho biết: “Theo quy định tại Điều 64 Thông tư số 38 của Bộ Tài chính ngày 25-3-2015, có 5 hình thức xử lý đối với máy móc, vật tư nguyên liệu dư thừa trong doanh nghiệp ngành may, bao gồm: bán tại thị trường Việt Nam; tái xuất khẩu trả ra nước ngoài; chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam; biếu, tặng tại Việt Nam; tiêu hủy tại Việt Nam. Mỗi hình thức xử lý đều có hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cụ thể rõ ràng và không có gì là khó khăn phức tạp. Riêng việc tiêu hủy chỉ là một trong 5 hình thức xử lý, và là do chính doanh nghiệp lựa chọn”.

Cũng theo ông Danh, việc tiêu hủy vật tư nguyên liệu không sử dụng tại Công ty cổ phần Đồng Tiến là theo yêu cầu của đối tác nước ngoài, nguyên nhân là muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm vì sợ vật tư, nguyên liệu bảo quản không tốt sẽ thẩm lậu ra thị trường làm ảnh hưởng tới nhãn hiệu hàng hóa. Nếu đối tác nước ngoài muốn cho, tặng từ thiện, chỉ cần gửi văn bản Cục Hải quan Đồng Nai sẽ giải quyết ngay (nếu thuế dưới 30 triệu đồng), hoặc có văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan giải quyết trong vòng 15 ngày (nếu thuế trên 30 triệu đồng).

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hải, đại diện Công ty Dessipro PTE, chủ sở hữu số vải trên, cho rằng: “Công ty cũng đã tính đến nhiều phương án xử lý số nguyên liệu này, như: tặng từ thiện, xuất bán… Song, những quy định của hải quan liên quan đến việc này khá phức tạp, vì vậy tiêu hủy là giải pháp tối ưu nhất công ty lựa chọn trong thời điểm này cho dù biết rằng việc tiêu hủy vải tốn khá nhiều thời gian, công sức do phải mời các cơ quan chức năng đến chứng kiến và kinh phí để tiêu hủy cũng tốn khoảng 15% tổng giá trị nguyên liệu được hủy”.

Vải cây bị cắt thành phế liệu.
Vải cây bị cắt thành phế liệu.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến Vũ Ngọc Thuần nhận xét, tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay vẫn nặng theo lối “xin - cho”. Bởi muốn tặng từ thiện số vải nói trên, doanh nghiệp phải có văn bản “xin phép” khá nhiều cơ quan chức năng và phải đợi ý kiến trả lời, tốn quá nhiều thời gian, công sức trong khi doanh nghiệp hoàn toàn không có lợi lộc gì từ những việc này.

Theo ông Thuần, Nhà nước nên giao trách nhiệm cho một cơ quan cụ thể có chức năng tiếp nhận các loại vải vóc, nguyên liệu dư thừa từ những hợp đồng may gia công. Khi có nhu cầu, doanh nghiệp chỉ cần báo số lượng và chuyển giao cho đơn vị này và hải quan tự động thanh lý hồ sơ hải quan cho doanh nghiệp. Như vậy, mỗi khi có vật tư, nguyên liệu dư thừa, doanh nghiệp không phải phát văn bản “xin” và đợi chờ “cho phép”, còn Nhà nước sẽ có một nguồn lực không nhỏ để lo cho công tác an sinh xã hội, trong đó có người nghèo. 

ông Hoàng Gia Khánh, Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng công nghiệp (Bộ Công thương), cho rằng để xử lý vấn đề này, doanh nghiệp nên liên hệ với chính quyền địa phương, chẳng hạn Ủy ban MTTQ tỉnh - nơi có chức năng tiếp nhận hàng viện trợ, sau đó nhờ phía đối tác có văn bản đồng ý viện trợ số hàng đó cho Ủy ban MTTQ tỉnh thì sẽ không phải chịu thuế. Khi Mặt trận tiếp nhận, việc sử dụng số vải này sẽ hiệu quả hơn, và cũng đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Minh Thanh - Lê Kiệt


 

 

 

Tin xem nhiều