Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) sẽ đưa vào khai thác năm 2020 đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt từ khi UBND 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương xin kéo dài tuyến này.
Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) sẽ đưa vào khai thác năm 2020 đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt từ khi UBND 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương xin kéo dài tuyến này.
Công nhân thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn gần Khu du lịch Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh). |
Người dân ở TP.Hồ Chí Minh và Biên Hòa rất kỳ vọng vào tuyến metro này được kéo dài đến ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa, thêm khoảng 4,7km), bởi nhu cầu đi lại hàng ngày giữa 2 đô thị hiện khá đông.
* Hối hả thi công
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công vào tháng 8-2012 với tổng vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ USD bằng nguồn vốn vay do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng của TP.Hồ Chí Minh. Tuyến metro số 1 có chiều dài gần 20km, điểm đầu từ chợ Bến Thành và điểm cuối ở gần Khu du lịch Suối Tiên. Tuyến đường sắt đô thị này đi qua 5 quận và 1 thị xã, cụ thể là: quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức của TP.Hồ Chí Minh và TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), trong đó có khoảng 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào sử dụng từ năm 2020.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh, tiến độ chung của dự án vẫn đang được đảm bảo. Gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến nhà ga Nhà hát thành phố dài hơn 500m sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm nay, thời gian thi công là 48 tháng . Đoạn ngầm từ Nhà hát thành phố đến ga Ba Son (gồm 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm dài 1.315m), đang thi công đạt khoảng 11%. Gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và nhà ga đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công việc. Gói thầu số 3 về mua sắm thiết bị đầu máy, toa xe, đường ray và bảo dưỡng đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Gói thầu số 4 là hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng vận hành và bảo dưỡng dự kiến triển khai đấu thầu thực hiện từ năm 2017.
* Nối dài metro
Chị Nguyễn Thị Kiên, công nhân Công ty Shiogai Seiki (Khu công nghiệp Amata) hàng ngày vẫn phải đi từ quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh) đến Biên Hòa để làm việc. Chị Kiên cho biết, không riêng mình chị mà còn nhiều công nhân cũng như ban giám đốc của công ty hàng ngày vẫn đi lại như vậy, nên nếu tuyến metro hoạt động sẽ rất thuận tiện cho việc đi lại. Cũng như chị Kiên, ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Công ty Nam Kiến hàng ngày đều đặn đi về giữa TP.Hồ Chí Minh và Biên Hòa bằng xe buýt. Ông Dũng ở quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh), trong khi văn phòng làm việc của công ty lại ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa), nên ông cũng rất trông đợi tuyến metro này đi vào hoạt động để việc đi lại dễ dàng hơn.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các công ty vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp Biên Hòa phần lớn chuyên gia và ban giám đốc đều đi - về TP.Hồ Chí Minh mỗi ngày. Như vậy, hàng ngày đều có một lượng lớn lao động di chuyển bằng xe ô tô từ TP.Hồ Chí Minh đến Biên Hòa làm việc và trở lại. Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu tuyến metro nối đến Biên Hòa kết hợp với hệ thống xe buýt thuận lợi sẽ giảm được lượng xe rất lớn lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn này. Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cũng nhận định: “Tuyến metro nối đến ngã tư Vũng Tàu sẽ mang lại hiệu quả về mặt giao thông rất lớn. Nhu cầu đi lại của người dân giữa 2 thành phố khá đông, đều đặn nhất là công nhân và học sinh, sinh viên đi lại mỗi ngày”.
Cũng theo ông Bình, ngay ngã tư Vũng Tàu hiện đang có bến xe, khu vực này khá thuận lợi cho việc xây dựng nhà ga metro. Đầu năm nay, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải và UBND TP.Hồ Chí Minh cho kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên về đến ngã tư Vũng Tàu để thuận tiện đi lại cho người dân giữa 2 nơi đang có nhu cầu rất lớn. Vừa qua, trong báo cáo về tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho nối tuyến metro này.
Vân Nam