Làng nghề thủ công mỹ nghệ đã qua cao điểm sản xuất hàng cho thị trường cuối năm và bắt đầu nhận đơn hàng sớm của năm 2016. Thị trường đồ gỗ mỹ nghệ cuối năm tăng cả sản lượng và giá cả.
Làng nghề thủ công mỹ nghệ đã qua cao điểm sản xuất hàng cho thị trường cuối năm và bắt đầu nhận đơn hàng sớm của năm 2016. Thị trường đồ gỗ mỹ nghệ cuối năm tăng cả sản lượng và giá cả.
Sản xuất tại Cơ sở gỗ mỹ nghệ Linh Liên (huyện Trảng Bom). |
Theo số liệu của Sở Công thương, gỗ mỹ nghệ là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, trong 10 tháng đầu năm đạt mức tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ngành sản xuất này cũng đang đứng trước nhiều thách thức để nắm bắt được cơ hội khi bước vào hội nhập.
* Tăng đơn hàng, tăng giá
Theo những cơ sở sản xuất tại làng nghề gỗ mỹ nghệ ở huyện Trảng Bom, tình hình sản xuất cho thị trường cuối năm được mùa cả về sản lượng và giá. Khách sẵn sàng trả giá cao hơn cho đơn hàng cam kết tốt về chất lượng, nhất là những thị trường mới giàu tiềm năng, như: Mỹ, châu Âu... Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), tổng kết: “Mùa sản xuất cuối năm nay, nhiều cơ sở “cháy” hàng vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng mạnh. Hiện đã qua cao điểm làm đơn hàng xuất khẩu cho thị trường cuối năm, nhưng hoạt động sản xuất vẫn nhộn nhịp vì nhiều cơ sở đã có đơn hàng của năm 2016”. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa cũng đang tăng nhanh để phục vụ mùa du lịch cuối năm đang thu hút đông đảo lượng khách nước ngoài. Đây không chỉ là khách mua lẻ mà còn là nguồn khách tiềm năng sẽ trở thành đối tác kinh doanh mặt hàng thủ công độc đáo này.
Ngay cả những cơ sở gặp khó khăn về sản xuất trong những tháng đầu năm cũng đặt kỳ vọng nhiều vào sự ấm dần lên của thị trường cuối năm. Đại diện Cơ sở gỗ mỹ nghệ Linh Liên (huyện Trảng Bom) cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất của cơ sở chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái vì một số đối tác nhập hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch gặp khó khăn, đơn hàng chựng lại. Nhưng vào những tháng cuối năm, tình hình sản xuất bắt đầu tốt lên, nhất là nhờ xuất khẩu sang các thị trường Campuchia và Thái Lan.
* Để không mất cơ hội
Tuy vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan về thị trường xuất khẩu cho ngành gỗ mỹ nghệ khi bước vào hội nhập, nhưng cũng không ít thách thức vì đa số các cơ sở sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn khá mù mờ thông tin về hội nhập. Họ hầu như không nắm được những thay đổi của thị trường vì thường chỉ tập trung vào khâu sản xuất theo kiểu mua đứt, bán đoạn qua các mối lái trung gian mà không tiếp cận được khách hàng cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (huyện Trảng Bom): “Chúng tôi đang ở “ao hồ” mà bị đẩy ra “sông sâu, biển lớn” thì khó tồn tại được. Nhất là các cơ sở nhỏ lẻ hiện đang rất khó khăn về nguồn vốn để mở rộng đầu tư. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để làng nghề tiếp tục phát triển và không mất cơ hội khi bước vào hội nhập”. |
Ông Nguyễn Đựng, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Hiện tôi vẫn bán hàng qua các khâu trung gian, chỉ biết làm theo yêu cầu khách đặt nên khá mù mờ thông tin về từng thị trường cụ thể. Chúng tôi rất muốn mở rộng đầu tư, không chỉ tập trung vào khâu sản xuất mà cả ở khâu phát triển thị trường nhưng lực bất tòng tâm cần nguồn vốn lớn với sự đầu tư dài hơi”.
Ông Nguyễn Thành Nhân nhận xét, tuy một số cơ sở tại làng nghề gỗ mỹ nghệ của Trảng Bom đã ít nhiều có sự chuyển biến, nhất là ở ý thức được sự thay đổi xu hướng thị trường khi bước vào hội nhập. Họ quan tâm đầu tư vào khâu sản xuất, giữ đúng cam kết với khách hàng về chất lượng, thời gian giao hàng nên hoạt động sản xuất ngày càng phát triển. Nhưng mặt bằng chung của làng nghề thì đang dần thu hẹp, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, máy móc lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
Bình Nguyên