Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm đẹp dinh thự cho "đại gia"

09:11, 09/11/2015

"Các "đại gia" là những người thường rất kỹ tính, họ đưa ra rất nhiều tiêu chí, trong đó có một tiêu chí khá quan trọng là đẹp. Vì vậy, phải đáp ứng được tiêu chí đó mới có thể chen chân vào lĩnh vực này" - ông Trần Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Mai Lan, chuyên đúc các sản phẩm hợp kim nhôm, đặc biệt là cổng và phù điêu ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) chia sẻ.

“Các “đại gia” là những người thường rất kỹ tính, họ đưa ra rất nhiều tiêu chí, trong đó có một tiêu chí khá quan trọng là đẹp. Vì vậy, phải đáp ứng được tiêu chí đó mới có thể chen chân vào lĩnh vực này” - ông Trần Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Mai Lan, chuyên đúc các sản phẩm hợp kim nhôm, đặc biệt là cổng và phù điêu ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Ông Trần Văn Dương đang kiểm tra mẫu  sản phẩm trên máy tính để chuẩn bị cho việc tạo khuôn.
Ông Trần Văn Dương đang kiểm tra mẫu sản phẩm trên máy tính để chuẩn bị cho việc tạo khuôn.

Những tháng cuối năm là cao điểm của mùa làm hàng, ông thường xuyên phải có mặt ở các tỉnh, thành để kiểm tra đôn đốc công trình cho kịp tiến độ.

* “Nóng” với lửa đúc

“Tôi chọn phương pháp đúc truyền thống là thủ công, các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của khách về họa tiết, hoa văn. Đúc thủ công, người thợ có thể bằng cảm nhận của mình nhìn vào độ sáng của khối nhôm nấu chảy biết hợp kim đã đạt hay chưa để quyết định đổ vào khuôn” - ông Dương bộc bạch.

Học xong ngành quản trị kinh doanh, đi làm cho một doanh nghiệp lớn của nước ngoài nhưng ông vẫn “dứt áo” quay về để làm nghề truyền thống. Năm 2007, ông bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực này. Những sản phẩm ban đầu chỉ là những mũ hàng rào, các phù điêu hay bông gió cửa rồi đến hàng rào và dần dần tiến lên đến đúc cổng. Thời gian này, ông đi khắp nơi để giới thiệu sản phẩm của mình. Điều đáng ngạc nhiên là sản phẩm đúc ở Biên Hòa nhưng lại bán chủ yếu ở thị trường miền Bắc. Ông Dương giải thích, ở ngoài Bắc những năm đó đúc gang thì nhiều nhưng đúc hợp kim nhôm còn khá ít và sản phẩm đúc có tính nghệ thuật lại càng khó. Khoảng 3 năm trở lại đây, những sản phẩm này bắt đầu được nhiều người ở các tỉnh phía Nam chú ý đến, nhu cầu đã tăng mạnh.

* Làm dâu trăm họ

 Theo ông Dương, mấy năm trước doanh nghiệp đã làm sản phẩm để xuất khẩu, tuy nhiên không mấy thành công nên lại tập trung cho thị trường nội địa. “Khi tôi nhận đúc một bộ cổng, cửa, lan can cầu thang hoặc hàng rào cho một căn biệt thự thì phải đến xem là kiểu biệt thự này xây dựng theo lối kiến trúc gì, từ đó mới phác họa mẫu rồi tư vấn cho chủ nhà. Chủ nhà đóng góp thêm cho mẫu đó rồi mới về làm khuôn đúc. Có những căn biệt thự cánh cổng phải tạo được sự uy nghi, nhưng cũng có căn lại cần sự thanh thoát” - ông Dương nói. 

Nguyên liệu để đúc gồm 75% là nhôm, còn lại là niken, kẽm, mangan và magie. Các thành phần này sẽ giúp sản phẩm nhẹ nhưng không quá dẻo hoặc quá cứng và có độ bền cao. Sau khi đúc xong, mài nhẵn, sản phẩm được sơn lên 3 lớp để tăng độ bền chống chọi với nắng mưa. Nhờ sự kỹ lưỡng và tinh tế nên các sản phẩm của công ty ông đã chiều lòng được các “đại gia”, có những người từ các tỉnh Bến Tre, Quảng Ngãi cũng  tìm đến xưởng đúc của ông để đặt hàng.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích