Ngay giữa cánh đồng Bàu Cật của ấp 2, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), một diện tích rộng đến 40 hécta được cấp phép khai thác đá khiến gần 1 ngàn hộ dân khu vực này nhiều năm lo lắng bất an. Lo lắng lớn nhất là khi mỏ đi vào khai thác thì 500 hécta bưởi, lúa và cây hàng năm có nguy cơ mất trắng.
Ngay giữa cánh đồng Bàu Cật của ấp 2, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), một diện tích rộng đến 40 hécta được cấp phép khai thác đá khiến gần 1 ngàn hộ dân khu vực này nhiều năm lo lắng bất an. Lo lắng lớn nhất là khi mỏ đi vào khai thác thì 500 hécta bưởi, lúa và cây hàng năm có nguy cơ mất trắng.
Ông Huỳnh Minh Quan, ấp 2, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) lo lắng khi mỏ đá khai thác thì vườn bưởi da xanh sẽ không có trái, đời sống khó khăn. |
Mỏ đá ở cánh đồng Bàu Cật được UBND tỉnh ký Quyết định cấp phép khai thác số 1430 ngày 29-5-2012 trên diện tích 40 hécta. Thời gian khai thác đến ngày 18-9-2019, đơn vị được cấp phép khai thác mỏ đá Tổng công ty đầu tư phát triển khu công nghiệp và đô thị Việt Nam (IDICO). Theo quyết định cấp phép khai thác thì mỏ đá này được khai thác với độ sâu khoảng 60m và tổng trữ lượng đá gần 9 triệu m3.
* Bất an nhiều năm
Dịp này, người dân xã Bình Lợi lại lo lắng, đứng ngồi không yên vì quy hoạch mỏ đá ngay giữa cánh đồng Bàu Cật vẫn chưa được tỉnh xóa quy hoạch như đã hứa vào cuối năm 2014. Nếu trong giai đoạn 2016-2020, quy hoạch khai thác mỏ đá tiếp tục được giữ lại giữa bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng đang nóng lên và đơn vị được cấp phép tiến hành khai thác mạnh thì đời sống của gần ngàn hộ dân bị đe dọa.
Ông Huỳnh Minh Quan, ấp 2, xã Bình Lợi, nói: “Hơn 0,6 hécta đất của tôi nằm gần khu vực mỏ đá đang trồng bưởi da xanh và lúa 3 vụ rất tốt. Nếu sắp tới, tỉnh cho khai thác mỏ đá thì ruộng vườn đành phải bỏ hoang vì bụi đá có trồng cây gì cũng không được thu hoạch. Rồi đây không biết gia đình tôi sẽ làm nghề gì để sống”.
Quy hoạch 53 mỏ khai thác khoáng sản Thông tin từ Sở Tài nguyên - môi trường, quy hoạch khai thác khoáng sản giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh dự tính sẽ có 53 mỏ khai thác khoáng sản nằm tại các huyện, thị, thành. Trong đó, có 40 mỏ khai thác đá xây dựng, 4 mỏ khai thác sét gạch ngói và 9 mỏ khai thác cát xây dựng với tổng trữ lượng khoảng trên 471 triệu m3. Các địa phương có nhiều mỏ đá khai thác trong giai đoạn tới là: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Thống Nhất. Còn các mỏ khai thác cát chủ yếu trên lòng hồ Trị An, sông La Ngà. Diện tích sẽ khai thác khoáng sản trong giai đoạn 2016-2020 trên 2 ngàn hécta. Khoáng sản của Đồng Nai khai thác cung cấp cho xây dựng trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. |
Khi khai thác mỏ đá, không riêng cánh đồng Bàu Cật bị ảnh hưởng mà cả những khu vực xung quanh cánh đồng hiện đã trồng bưởi cũng bị “vạ lây”. Theo UBND xã Bình Lợi, nếu khai thác mỏ đá ở cánh đồng Bàu Cật sẽ có khoảng 500 hécta cây trồng bị ảnh hưởng trực tiếp và 400 hécta cây trồng bị ảnh hưởng gián tiếp do nguồn nước ngầm sụt giảm, nguy cơ không còn nước để sản xuất. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng trực tiếp là khoảng 190 hécta bưởi, còn lại phần lớn là đất trồng lúa với 3 vụ/năm. Bưởi trồng ở đây hầu hết là bưởi da xanh, người dân thu gần 1 tỷ đồng/hécta/năm. Cá biệt có những hộ chăm sóc xử lý tốt có thể thu hơn 1 tỷ đồng/hécta/năm. Làm một phép tính nhanh, lúa, hoa màu cho người dân thu lời 50-80 triệu đồng/hécta/năm thì cánh đồng Bàu Cật và những vườn bưởi xung quanh cho thu trên 150 tỷ đồng/năm. Nguồn thu này sẽ còn tăng qua các năm do người dân đang đợi bỏ khai thác khoáng sản để chuyển sang trồng bưởi. Bưởi trồng ở Bình Lợi hương vị đậm đà không thua kém mấy so với bưởi Tân Triều.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, ấp 2, chia sẻ: “Khi mỏ đá khai thác, không chỉ người dân ấp 2 bị ảnh hưởng mà cả người dân ấp 1, 3, 4 cũng khổ lây. Hiện nay, dân trong xã chủ yếu sống nhờ nguồn nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, mỏ đá khai thác sâu, nước ngầm sẽ sụt giảm, thiếu nước thì không thể trồng trọt, chăn nuôi”. Ước tính khi mỏ đá Bình Lợi đi vào khai thác, sẽ có khoảng hơn 1 ngàn hộ dân sống bằng nghề trồng trọt gặp khó khăn.
* Mong xóa quy hoạch
Từ năm 2010, khi tỉnh tiến hành thăm dò khoáng sản tại cánh đồng Bàu Cật, người dân trong xã đã phản đối. Từ đó đến nay, mỗi khi họp HĐND, người dân cũng đề nghị tỉnh xóa quy hoạch để yên tâm đầu tư trồng bưởi, nâng cao thu nhập.
Lão nông Huỳnh Văn Cư, ấp 2, xã Bình Lợi, nói: “Khai thác mỏ đá, có thể nhà nước và chủ đầu tư thu được vài trăm tỷ đồng, nhưng sẽ đẩy cả ngàn hộ dân nơi đây vào cảnh khốn khó. Gần 50 năm làm nông ở cánh đồng Bàu Cật này, nghĩ đến khi mỏ đá bị khai thác, ruộng vườn bám đầy bụi đá bỏ hoang như vùng Thiện Tân, tôi xót lắm. Tôi ít học nhưng nghĩ chẳng ai đi đánh đổi một cánh đồng màu mỡ và một khu vực thiên nhiên trong lành, êm ả để khai thác một mỏ đá”. Ông Cư chia sẻ thêm, ông chỉ mong lãnh đạo huyện, tỉnh sáng suốt trong việc quyết định có nên đánh đổi cánh đồng màu mỡ và đời sống ổn định của cả ngàn hộ dân để cho khai thác một mỏ đá trữ lượng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, môi trường nơi này.
Mới đây, trong cuộc họp về quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2016-2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường rà soát lại tất cả các dự án về khai thác khoáng sản, nếu phù hợp thì giữ lại. Trường hợp gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và đời sống của người dân thì kiến nghị tỉnh bỏ và xóa quy hoạch. |
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho hay: “Đây là mỏ tỉnh đã cấp phép khai thác từ năm 2012 và hiện vẫn còn hiệu lực nên buộc phải đưa vào dự thảo khai thác khoáng sản giai đoạn tới. Về vấn đề bức xúc của người dân Bình Lợi, sở đã biết và tới đây sẽ có văn bản đề nghị tỉnh xem xét cho rút quy hoạch để đảm bảo đời sống cho người dân”.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi cho biết: “Sẽ cho khảo sát lại khu vực cấp phép khai thác đá ở cánh đồng Bàu Cật. Trường hợp gây thiệt hại quá nặng nề về đời sống, môi trường, huyện sẽ đề xuất tỉnh xóa quy hoạch”. Theo ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi, nhiều năm nay người dân đều kiến nghị bỏ quy hoạch mỏ đá vì khi khai thác sẽ ảnh hưởng nhiều diện tích cây trồng, đường sá xuống cấp, ô nhiễm môi trường.
Hương Giang