Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án sân bay Long Thành: Không tạo điều kiện cho giới đầu cơ

12:11, 12/11/2015

UBND tỉnh Đồng Nai đang xin cơ chế đặc thù đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân ở dự án xây dựng sân bay Long Thành để sớm giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Đồng Nai đang xin cơ chế đặc thù đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân ở dự án xây dựng sân bay Long Thành để sớm giải phóng mặt bằng.

Người dân vùng dự án cũng đang trong tâm trạng nhấp nhổm không yên. Những vấn đề đặt ra ngày càng “nóng”, như: bao giờ sẽ chính thức di dời? Mức đền bù ra sao? Chính sách hỗ trợ di dời như thế nào?

* Cụ thể chính sách hỗ trợ

Theo ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, khung bồi thường hỗ trợ của tỉnh cho dự án sân bay Long Thành xây dựng khá cụ thể, đặc biệt đối với hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Chính sách hỗ trợ chỉ dành trực tiếp cho người dân sinh sống trong vùng dự án. Trong ảnh: Nông dân xã Suối Trầu (huyện Long Thành) đang xuống giống.
Chính sách hỗ trợ chỉ dành trực tiếp cho người dân sinh sống trong vùng dự án. Trong ảnh: Nông dân xã Suối Trầu (huyện Long Thành) đang xuống giống.

Đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mức hỗ trợ bằng 1,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của tỉnh. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh, sẽ được hỗ trợ với mức 0,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại. Ngoài ra còn hỗ trợ tiền thuê nhà ở; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình…

Với các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở và có giấy tờ hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền công nhận là đất ở, nhưng chưa xây dựng nhà ở và không còn chỗ ở nào khác trong địa bàn xã có đất bị thu hồi thì được bồi thường bằng việc giao một lô đất ở mới trong khu tái định cư. Ở trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi nhiều thửa đất ở hoặc một thửa đất ở có diện tích lớn thì được xem xét bố trí các lô tái định cư tại khu tái định cư với diện tích tương ứng.

Về nghĩa vụ tài chính, trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở trong khu tái định cư mà số tiền nhận bồi thường về đất ở bị giải tỏa nhỏ hơn giá trị suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ chênh lệch giá trị; mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được hỗ trợ 1 lô đất tái định cư. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được bồi thường về đất ở có diện tích lớn hơn diện tích lô đất bố trí tái định cư thì phần diện tích chênh lệch được bồi thường bằng tiền; trường hợp diện tích chênh lệch lớn hơn hoặc bằng diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa hộ gia đình có nhu cầu nhận thêm lô tái định cư thì được xem xét bố trí thêm 1 lô tái định cư và phải nộp tiền sử dụng đất, tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

* Không tạo cơ hội cho đầu cơ

Tại hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - cần cơ chế đặc thù đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân” vừa được UBND tỉnh tổ chức tại Hà Nội, TS.Trần Du Lịch cho rằng đất vùng khu vực dự án cần được làm rõ. Từ kinh nghiệm của ông khi giám sát thực hiện đền bù ở khu vực Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh) và các nơi, có mấy dạng là: đất nông nghiệp của dân, đất lâm trường của Nhà nước và các loại đất ở khác. Ông Lịch cho rằng vùng Long Thành không thể quên một đặc điểm: ngoài đất của dân tại chỗ do mồ hôi công sức tạo dựng, còn cả một phần rất lớn đất đầu cơ của các nhà đầu cơ. Như vậy chính sách bồi thường phải khác nhau.

TS.Trần Du Lịch nói: “Tôi tâm tư hàng chục năm nay, cách đền bù, chính sách của ta lâu nay dường như chỉ khuyến khích đầu cơ đất nông nghiệp, không cần biết ai là chủ sở hữu, cứ thực hiện chính sách theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Ở đây tôi đề nghị không làm như thế, phần đền bù theo kiểu tiền trao cháo múc nhưng phần hỗ trợ chỉ áp dụng cho người dân tại chỗ. Tôi đề nghị không hỗ trợ cho những người dân ở TP.Hồ Chí Minh hay ở nơi khác về đây đầu cơ đất”.

Quả thực, chi phí cho hỗ trợ khá lớn cũng nên cần phải tách biệt rõ, có như vậy người dân sẽ hưởng ứng. Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai, chia sẻ do phần hỗ trợ thường lớn hơn tiền bồi thường đất, vì vậy đã có rất nhiều người đầu cơ mua đất để hưởng phần hỗ trợ. Tuy nhiên, khi xây dựng khung chính sách này, tỉnh cũng đã lường trước việc này.

Khắc Giới

 

Tin xem nhiều