Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH) nên Chính phủ sớm đã có kế hoạch cho việc phòng chống để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Đồng thời, các tỉnh, thành căn cứ vào quy định chung của Chính phủ để xây dựng kịch bản riêng cho từng địa phương để ứng phó với BĐKH.
Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH) nên Chính phủ sớm đã có kế hoạch cho việc phòng chống để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Đồng thời, các tỉnh, thành căn cứ vào quy định chung của Chính phủ để xây dựng kịch bản riêng cho từng địa phương để ứng phó với BĐKH.
Rừng ngập mặn Long Thành mới được khôi phục cách đây gần 40 năm để bảo vệ môi trường sinh thái. |
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã công bố 5 kịch bản BĐKH lần lượt vào các năm 1994, 1998, 2007, 2009 và 2012. Trong kịch bản có 3 mức độ khác nhau gồm phát thải thấp, trung bình và cao về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng.
* Ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 2-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158 thành lập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH với tổng kinh phí gần 2 ngàn tỷ đồng để thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, gồm: đánh giá mức độ BĐKH; xây dựng các kịch bản về BĐKH và nước biển dâng; xây dựng và triển khai chương trình khoa học - công nghệ về BĐKH; tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách BĐKH; nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường năng lực hợp tác quốc tế; xây dựng bộ khung tiêu chuẩn tích hợp các vấn đề về BĐKH trong xây dựng, thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Tất cả những nhiệm vụ trên được triển khai đồng bộ theo lộ trình cụ thể ở cả cấp trung ương và địa phương.
Ngày 30-8-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1138 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH giai đoạn 2012-2015. Đồng thời, Thủ tướng cũng phê duyệt danh mục 22 dự án thực hiện chương trình này, chia làm 3 nhóm là đánh giá mức độ BĐKH và nước biển dâng; xây dựng triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực, truyền thông, và giám sát thực hiện chương trình. Chương trình trên được giao cho Bộ Tài nguyên - môi trường quản lý.
Trong giai đoạn này, xây dựng ban hành kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH, kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó BĐKH. Xây dựng hệ thống giám sát nước biển dâng để phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện BĐKH nước biển dâng. Xây dựng bản đồ ngập lụt, rủi ro thiên tai, khí hậu theo kịch bản gắn với hệ thống thông tin địa lý. Tập trung vào các vùng trọng điểm thường xuyên bị thiên tai, có ảnh hưởng lớn do nước biển dâng. Kịch bản BĐKH thường xuyên được cập nhật cho phù hợp với thực tế và dự báo tương lai để có biện pháp ứng phó giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Trong giai đoạn 2012-2015, kinh phí thực hiện cho chương trình ứng phó BĐKH là hơn 1.770 tỷ đồng.
* Kịch bản về thiệt hại
Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, kịch bản cho phát thải thấp thì nhiệt độ trung bình mỗi năm sẽ tăng từ 1,6-2,20C trên phần lớn diện tích của phía Bắc lãnh thổ và dưới 1,60C ở các tỉnh phía Nam. Lượng mưa tăng khoảng 6%/năm trên đa số khu vực của Việt Nam, riêng khu vực Tây nguyên chỉ tăng khoảng 2%. Nước biển trung bình của cả nước sẽ dâng khoảng 57-73cm, khu vực nước biển dâng cao nhất từ Cà Mau đến Kiên Giang từ 62-82cm và thấp nhất vùng Quảng Ninh 49-64cm.
Theo kịch bản phát thải trung bình, nhiệt độ sẽ tăng từ 2-30C trên phần lớn diện tích của cả nước . Riêng khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Trị nhiệt độ sẽ tăng nhanh và cao hơn các nơi khác. Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 350C tăng từ 15-30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước. Như vậy, nắng nóng ngày càng gay gắt và sẽ có nhiều ngày nhiệt độ lên rất cao. Về lượng mưa mức tăng phổ biến từ 2-7% trên khắp lãnh thổ. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô thì giảm, nhưng lượng mưa trong mùa mưa lại tăng. Việc này sẽ khiến cho thời tiết trở lên khắc nghiệt hơn vì vào mùa khô hạn hán sẽ tăng còn vào mùa mưa ngập lụt sẽ dâng cao và nhiều hơn. Nước biển theo kịch bản này dâng trung bình trên toàn lãnh thổ là 57-73cm.
Kịch bản khi phát thải cao thì nhiệt độ trung bình trên cả nước mỗi năm sẽ tăng từ 2,5-3,70C. Lượng mưa sẽ tăng thêm trên hầu hết lãnh thổ nước ta với khoảng 2-10%. Nước biển sẽ dâng trung bình từ 78-95cm. Trong đó, khu vực nước biển dâng cao nhất từ Cà Mau đến Kiên Giang từ 85-105cm và thấp nhất vùng Quảng Ninh 66-85cm. Nước biển càng dâng cao thì diện tích đất liền mất đi càng lớn và nông dân và những hộ nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì không còn đất đai để sản xuất và sinh sống. Tuy nhiên, muốn quá trình BĐKH diễn ra chậm và mức độ thiệt hại giảm thì cả cộng đồng cùng góp sức bảo vệ môi trường. Môi trường được bảo vệ, BĐKH chỉ diễn ra ở mức kịch bản phát thải thấp thì thiệt hại do BĐKH sẽ giảm đi nhiều.
Uyển Nhi