Ngày 30-10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Báo Lao Động tổ chức hội thảo "Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân". Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến gợi mở.
Ngày 30-10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân”. Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến gợi mở.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: K.GIỚI |
Chia sẻ tại hội thảo, TS.Trần Du Lịch thẳng thắn nói: “Tôi thấy thực tế với tình hình sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tiến hành được sớm được ngày nào thì dân được nhờ sớm ngày ấy. Mỗi lần đến sân bay này phải chờ đợi rất mệt”.
“Đóng băng” Tân Sơn Nhất
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cả mặt đất, không lưu và thậm chí cả giao thông kết nối khiến hành khách khó chịu. “Vừa qua công luận nói nhiều về chất lượng phục vụ tại Tân Sơn Nhất. Thật ra hạn chế về hạ tầng cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của ngành hàng không. Ở những giờ cao điểm, tại Tân Sơn Nhất không gian cho khách làm thủ tục hết sức chật hẹp, gây bức bối cho hành khách” - ông Thanh giải thích.
Cũng theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, sân bay Tân Sơn Nhất quy hoạch là 25 triệu khách/năm nhưng theo công suất quốc tế chỉ là 23 triệu khách, hiện đang được mở rộng thêm phần nhà ga để tăng thêm 3 triệu khách/năm nữa, như vậy sẽ lên đến 26 triệu khách/năm. “Thử tính sân bay theo quy chuẩn quốc tế chỉ được 23 triệu khách/năm mà phải gánh 26 triệu khách như vậy là chật hẹp” - ông Thanh nhấn mạnh.
Từ tháng 6-2015, nỗ lực của việc cải thiện điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất được phép vào giờ cao điểm nâng từ 30 chuyến lên 35 chuyến cất hạ cánh/giờ. Lãnh đạo Cục Hàng không đắn đo, Chính phủ và Bộ Giao thông - vận tải yêu cầu phải tăng được lên 40 chuyến/giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy, ở giờ cao điểm nâng thêm 5 chuyến nữa càng tạo ra sức ép và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cho hành khách ở sân bay này. Sản lượng hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất là 500 chuyến bay/ ngày, tổng số xe ô tô ra vào là 29 ngàn lượt xe/ngày đang quá tải. Yêu cầu của Bộ Giao thông - vận tải rất quyết liệt: phải đảm bảo an toàn, tăng năng lực khai thác, đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường tới mức không thể tăng được thì thôi, nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ. Đây là điều cực kỳ khó đối với dịch vụ khai thác hàng không tại đây.
Cục Hàng không cũng đang ngán ngại, hiện tại Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Cục trưởng Lại Xuân Thanh chia sẻ: “Mới chỉ ký kết TPP thôi nhưng ngành hàng không đã cảm thấy sức nóng của nhu cầu thị trường, cuối năm nay Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập, thị trường hàng không thống nhất và ký những hiệp định vận tải hàng không trong khối thì áp lực lại càng tăng”. Ông Thanh cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải “đóng băng” tăng trưởng ở mức 35 triệu khách/năm.
TS.kinh tế hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất là cảng hàng không trọng điểm của quốc gia sẽ đóng băng không tăng trưởng nữa, ở mức 35 triệu khách là điều đáng buồn, đặc biệt mức tăng trưởng hiện nay theo TS.Nam là chưa phải nóng, đang ở mức bình thường.
Tách dự án giải phóng mặt bằng
Đánh giá về sự chuẩn bị của Đồng Nai cho dự án này, TS.Trần Du Lịch cho rằng việc chuẩn bị cho công tác đền bù của Đồng Nai hết sức công phu và có trách nhiệm. Tuy nhiên, tới thời điểm này việc xây dựng khung chính sách và công bố cho người dân cần cố gắng và khẩn trương hơn nữa. Về cơ chế chính sách, ông Trần Du Lịch phân tích, việc tách công tác đền bù giải phóng mặt bằng ra để làm dự án riêng là có thể. “Trong Nghị quyết Quốc hội, Điều 3 khoản 2 có giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể, chỉ đạo thu hồi đất một lần. Trên tinh thần của Quốc hội như vậy, Chính phủ có thể triển khai việc này về mặt pháp lý và Chính phủ có thể làm mà không phải băn khoăn” - TS.Trần Du Lịch nói. Ông cũng dẫn chứng cụ thể, như: việc xây dựng tái định cư là một hạng mục phụ trợ của việc chuẩn bị cho dự án này, Chính phủ có thể làm không cần chờ thông qua quyết định đầu tư, vì khi thông qua quyết định đầu tư không kịp thời gian.
Để việc triển khai nhanh, ông Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) Đào Trung Chính gợi ý nên có cơ chế đặc thù để mời thêm các công ty tư vấn định giá đất uy tín tham gia như vậy mọi việc sẽ tiến triển nhanh. “Luật Đất đai giao cho UBND cấp tỉnh được phép vận dụng các khoản hỗ trợ. Đối với những dự án đặc biệt, tỉnh có thể trình các trường hợp hỗ trợ đặc biệt để Chính phủ quyết định” - ông Chính nói. |
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) Đào Trung Chính cũng nhận xét, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện được nhiều việc cần thiết cho dự án đặc biệt này. Dự án có diện tích thu hồi lớn, việc xây dựng khung chính sách, giải quyết việc làm cho người dân là việc rất cần thiết. Toàn bộ khung chính sách mà tỉnh xây dựng tương đối đầy đủ theo đúng quy định của Luật Đất đai. Ông Chính cũng lưu ý một số điều, như: khung chính sách mà tỉnh xây dựng đã thể hiện chi tiết các khoản hỗ trợ, song còn thiếu sự hỗ trợ cho các trường hợp sử dụng đất ở kết hợp với các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ.
Giải pháp tài chính
Theo TS.Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc Đồng Nai triển khai trước giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách điều đó là hợp lý. Nhưng vấn đề là nếu ngân sách không đáp ứng được số tiền mà dự án yêu cầu thì phải nghĩ tới một cách huy động vốn khác là huy động các nguồn lực bên ngoài. Ông Phước còn đưa ra gợi ý là phát hành một loại trái phiếu cho dự án này, có thể cho 5 ngàn hộ dân ở đây mua những trái phiếu đó được hưởng lãi.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Chia sẻ về bài toán tìm vốn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, TS.Trần Du Lịch hiến kế: Đồng Nai là tỉnh nộp ngân sách nhiều về Trung ương, như vậy có thể cho cơ chế tỉnh tiến hành đi vay theo tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Hàng năm phải trả số vay đó bao nhiêu thì được khấu trừ vào tiền nộp ngân sách về Trung ương. Mỗi năm bỏ ra một vài ngàn tỷ đồng như vậy vài năm sau sẽ xong, đó là phương án khả thi hơn cả.
TS.Lương Hoài Nam cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của UBND tỉnh Đồng Nai về công tác chuẩn bị cho giải phóng mặt bằng. Ông kiến nghị tỉnh cần bổ sung quy chuẩn hành động số 5 của Công ty tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng thế giới, đây là quy chuẩn về thu hồi đất và tái định cư bắt buộc. Lý giải về vấn đề này, Ông Nam cho hay vì dự án sân bay Long Thành được đầu tư theo hình thức PPP (công - tư kết hợp), nên sẽ có những nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tín dụng quốc tế tham gia, khi đó tuân theo chương trình hành động vì môi trường và xã hội. Liên quan đến hạ tầng đền bù giải phóng mặt bằng, tất cả các định chế của nhà đầu tư lớn và các đơn vị tài chính sẽ áp dụng quy chuẩn hành động số 5. Sau này khi làm việc với các nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn.
Khắc Giới