Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, trong điều kiện rất khó khăn của một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã có những sản phẩm công nghệ đạt trình độ khu vực và thế giới…
Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, trong điều kiện rất khó khăn của một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã có những sản phẩm công nghệ đạt trình độ khu vực và thế giới, như: làm chủ thiết kế và thi công các nhà máy thủy điện lớn; thiết kế, chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng…
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần rất nhiều cố gắng để đưa khoa học - công nghệ tiến bộ kịp với thế giới.
Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển
* Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang ở vị trí nào trong “bản đồ” khoa học - công nghệ của khu vực ASEAN và trên thế giới?
- Về khoa học cơ bản, chúng ta đã đạt thứ hạng cao trong ASEAN trong một số lĩnh vực thế mạnh, như: toán, vật lý lý thuyết, góp nhiều gương mặt khoa học có uy tín trên các diễn đàn khu vực và thế giới. Đặc biệt, theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2015, Việt Nam được xếp hạng 52/141 quốc gia về trình độ phát triển khoa học - công nghệ; trong 31 nước có thu nhập trung bình thấp (dưới 4 ngàn USD/đầu người), chúng ta đứng thứ 2/31 nước. Đặc biệt là Việt Nam được xếp hạng ở vị trí thứ 3 trong 10 nước ASEAN và lần đầu tiên chúng ta đã được xếp hạng cao hơn Thái Lan. Điều này nói lên trình độ phát triển khoa học - công nghệ của chúng ta đã cao hơn trình độ phát triển kinh tế.
Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ như vậy, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng khoa học - công nghệ Việt Nam vẫn chưa có vị trí xứng đáng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của đất nước.
* Ở nhiều kỳ họp Quốc hội, Chính phủ cho biết luôn dành 2% tổng ngân sách cho khoa học - công nghệ. Theo Bộ trưởng, con số này là nhiều hay ít? Khoa học - công nghệ Việt Nam vẫn chậm phát triển là do chúng ta dành quá ít tiền cho việc phát triển, hay do dùng nhiều tiền mà đầu tư sai chỗ dẫn đến hiệu quả kém?
- Nếu xét về tỷ lệ chi ngân sách thì Nhà nước đầu tư cho khoa học - công nghệ không thua kém các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền khoa học tiên tiến, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay châu Âu. Tuy nhiên, với quy mô GDP và ngân sách nhà nước nhỏ bé, cùng với nguồn lực rất hạn chế từ các khu vực khác, tổng đầu tư xã hội cho khoa học - công nghệ chỉ đạt khoảng 1,5 tỷ USD trong năm 2013 (số liệu thống kê mới nhất).
Tính bình quân, chúng ta chỉ có 16 USD đầu tư cho khoa học - công nghệ trên mỗi người dân. Con số này là quá thấp nếu so với mức 140 USD/đầu người của Trung Quốc (nguồn OECD). Trong nguồn lực tài chính vốn đã hạn hẹp như vậy, chúng ta vẫn phải dành đến gần 90% cho chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của hơn 1 ngàn tổ chức khoa học - công nghệ công lập từ Trung ương đến địa phương và gần 100 ngàn cán bộ biên chế trong các đơn vị này. Chỉ có trên 10% của 2% tổng chi ngân sách (khoảng 2-3 ngàn tỷ đồng trong mấy năm gần đây) là thực sự dành cho hoạt động nghiên cứu và triển khai. Với nguồn lực như vậy, rất khó để khoa học - công nghệ có những bước phát triển đột phá.
* Bộ có giải pháp nào để thu hút các nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ, thưa Bộ trưởng?
- Để có một nền khoa học - công nghệ phát triển, chúng ta phải thu hút được nguồn lực dồi dào từ khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học - công nghệ. Việc này cũng xuất phát từ lợi ích sống còn của doanh nghiệp khi môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Trong thời gian qua, Bộ Khoa học - công nghệ đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật Khoa học - công nghệ năm 2013. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3-10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp.
* Vậy đã có những tín hiệu khả quan nào chưa?
- Thực hiện quy định mới này của Luật Khoa học - công nghệ, thời gian gần đây đã có những kết quả ban đầu trong huy động đầu tư cho khoa học - công nghệ từ các doanh nghiệp, điển hình là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Hai tập đoàn này đã thành lập các viện nghiên cứu và phát triển của mình và trích tỷ lệ tối đa được phép hiện nay là 10% thu nhập tính thuế để đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ phục vụ an ninh - quốc phòng và ngành dầu khí. Riêng năm 2014 Viettel đã đầu tư tới 4.053 tỷ đồng cho quỹ phát triển khoa học - công nghệ. Số kinh phí này còn lớn hơn ngân sách nhà nước dành cho tất cả các nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia năm 2015.
Huy động mọi nguồn lực cho khoa học
* Xin Bộ trưởng cho biết hiệu quả hoạt động của lực lượng các tổ chức và nhân lực khoa học - công nghệ đông đảo của nước ta khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu phần lớn máy móc công nghệ, giống cây trồng, thuốc men…?
Để huy động nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ, chúng tôi cũng tăng cường nguồn đầu tư từ hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các dự án khoa học - công nghệ với nước ngoài và các nhiệm vụ nghiên cứu theo nghị định thư. Theo thống kê, các nhiệm vụ nghị định thư đã thu hút được lượng kinh phí của các đối tác nước ngoài nhiều gấp 3 lần kinh phí ngân sách nhà nước. Bộ Khoa học - công nghệ đang triển khai hàng loạt dự án khoa học - công nghệ sử dụng vốn ODA, như: đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP2), thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học - công nghệ do WB tài trợ (FIRST), hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ do Vương quốc Bỉ tài trợ (BIPP)... với tổng vốn hàng trăm triệu USD. |
- Như tôi vừa chia sẻ, ngân sách nhà nước dành cho khoa học - công nghệ là hết sức hạn chế, nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo hoạt động cho hơn 1 ngàn tổ chức khoa học - công nghệ công lập với gần 100 ngàn cán bộ khoa học. Trong điều kiện nguồn kinh phí ít ỏi lại phải dàn trải như vậy, các kết quả mà các nhà khoa học đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực y dược và nông nghiệp, là rất đáng ghi nhận. Chúng ta đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10/11 loại vaccine tiêm chủng mở rộng, có 4 loại vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể xuất khẩu, năm qua đã sản xuất thành công vaccine Rotavin M1. Trong nông nghiệp, các kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ đã góp tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, tạo ra nhiều giống mới.
Để phát triển có trọng tâm, trọng điểm và có điều kiện tập trung đầu tư cho các tổ chức khoa học - công nghệ công lập hoạt động hiệu quả, Bộ Khoa học - công nghệ đang xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ công lập giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sớm trình nghị định mới về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học - công nghệ công lập.
* Ở môi trường kinh doanh, thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ rất cũ, lạc hậu, thậm chí phải nhập khẩu công nghệ cũ từ Trung Quốc do giá rẻ. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này ra sao, đặc biệt khi chỉ vài năm tới đây, Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp đến từ các quốc gia có khoa học - công nghệ rất phát triển?
- Về vấn đề này, tôi đã có nhiều dịp trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tại các diễn đàn khác nhau. Nền kinh tế của chúng ta đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn hội nhập mới với nhiều sự kiện quan trọng: gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ký kết Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Thời gian còn rất ít cho chúng ta chuẩn bị trước khi tham gia vào cuộc chơi chung khi không còn hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ. Khi đó, nếu các doanh nghiệp không có sản phẩm chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh thì sẽ rất khó khăn để tồn tại trên thị trường.
* Vậy, chúng ta có thể làm gì, thưa Bộ trưởng?
- Thực tế, chất lượng và giá thành sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ và hệ thống quản lý kèm theo. Đây là điều rất đáng lo lắng khi trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhìn chung là rất thấp. Các doanh nghiệp vốn đã quen với việc kinh doanh trong môi trường được bảo hộ nên sự quan tâm đến hoạt động đổi mới công nghệ cũng rất hạn chế. Để tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần phải thắt lưng buộc bụng, tập trung toàn bộ nguồn lực, khẩn trương đổi mới công nghệ để có những sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh hơn. Có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng trụ vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế đất nước.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
K.Giới - K.Ngân (thực hiện)